Bến Tre:
Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc khảo sát vùng hạn, mặn
(Dân trí) - Ngày 5/5, đoàn công tác Liên Hiệp quốc do ông Eliassaon – Jan Kennneth, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có chuyến khảo sát thực tế tại Bến Tre - một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn, mặn.
Đoàn công tác cùng chính quyền địa phương đã đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Nương, ngụ xã Phú Ngãi (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre); đo độ mặn tại con kênh mà hàng trăm hộ dân đang sử dụng. Ông Eliassaon – Jan Kennneth chia sẻ những khó khăn với gia đình bà Nương cũng như những hộ dân phải sống trong điều kiện hạn hán – xâm nhập mặn khắc nghiệt.
Theo báo cáo của Viện Thủy lợi miền Nam, năm 2016, vùng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 2 triệu ha diện tích bị ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn, độ mặn 4 phần nghìn xâm nhập sâu 40 - 50 km. Xâm nhập sâu một phần trên dòng chính sông Mê Kông ở khu vực thượng nguồn khiến nước thượng nguồn không về tới hạ nguồn.
Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: “Chính phủ Việt Nam đang huy động mọi nguồn lực để giúp nhân dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của hạn, mặn. Quan điểm của Chính phủ là không để cho một người dân nào đói và thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, đợt hạn, xâm nhập mặn năm nay là do bị ảnh hưởng của vấn đề biến đổi khí hậu. Việt Nam được dự báo là một nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biền đồi khí hậu. Hiện tại, Chính phủ Việt Nam cũng đã tính phương án dự phòng để giúp dân thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc đã hỗ trợ. Trong nỗ lực đó, chúng tôi rất cảm ơn sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc”.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Eliassaon – Jan Kennneth, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho biết: “Tôi xin cảm ơn ngài Bộ trưởng và Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã tạo điều kiện cho chuyến thăm thực tế về vấn đề biến đổi khí hậu. Tôi cảm ơn những thông tin về thực tiễn biến đổi khí hậu tại địa phương... Rõ ràng hạn hán, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đều có liên quan và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đất nước các bạn, nó cũng xảy ra ở một số đất nước khác. Vấn đề quan trọng nhất với cuộc sống đó là nước và nó là nguyên nhân để chúng ta hợp tác”.
“Ngày hôm nay gia đình bà Nương đã cho tôi thông điệp rõ ràng nhất về mùa màng và nước sinh hoạt bị thiếu hụt. Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam và người dân; chúng tôi cũng thấy mình có trách nhiệm trong vấn đề này. Chúng tôi cần thúc đẩy mối quan hệ hài hòa giữa các nước trong cùng khu vực có điều kiện nguồn nước thông nhau. Chúng tôi sẽ vận động các tổ chức quốc tế về môi trường nhân đạo trên thế giới hướng về các bạn. Tôi sẽ chuyển thông điệp này đến Hội nghị cấp cao về nhân đạo thế giới và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu vào ngày 26/5/2016 tại Istambul - Thổ Nhĩ Kỳ” - ông Eliassaon – Jan Kennneth chia sẻ.
Ông Eliassaon – Jan Kennneth cho biết sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, chính quyền địa phương tìm giải pháp hỗ trợ và tin rằng người dân Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn hiện tại.
Minh Giang