Bộ Tài chính đề xuất cơ chế mới về mua sắm, sử dụng xe công
Bộ Tài chính cho biết đang xây dựng cơ chế quản lý việc mua sắm, sử dụng xe công mới trình Thủ tướng phê duyệt. Nếu đề án này được duyệt, ngân sách Nhà nước sẽ tiết kiệm ít nhất 1.300 tỉ đồng mỗi năm.
Bộ Tài chính đề xuất quy định rõ các chức danh được Nhà nước trang bị xe phục vụ công tác.
Nhóm 1 được trang bị sử dụng thường xuyên một xe ôtô con (kể cả khi nghỉ hưu): Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Nhóm 2 gồm các chức danh từ Bộ trưởng và tương đương trở lên được sử dụng một ôtô thường xuyên trong công tác.
Nhóm 3 gồm các chức danh Thứ trưởng và tương đương được sử dụng một ôtô con đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hằng ngày và đi công tác.
Đáng chú ý nhất, Bộ Tài chính dự kiến bỏ quy định định mức trang bị xe cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp theo số biên chế và số lượng đơn vị trực thuộc của mỗi cơ quan; bỏ quy định bố trí đi công tác trong phạm vi nội thành, nội thị và nội huyện của các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng ôtô từ Vụ phó cho đến Tổng cục trưởng loại 2 ở Trung ương và Phó giám đốc Sở đến Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh (trừ TP Hà Nội và TPHCM).
Các đối tượng này sẽ được bố trí xe theo các phương thức như: tiếp tục sử dụng xe hiện có, thuê dịch vụ ngoài, khoán kinh phí tự lo phương tiện... để đi công tác ngoại thành, ngoại tỉnh, ngoại huyện...
Theo nhận định của một quan chức Bộ Tài chính: “Việc thực hiện khoán đơn giá và hạch toán chi phí sử dụng xe tạo điều kiện quản lý, kiểm tra, giám sát và công khai chi phí sử dụng xe chắc chắn sẽ hạn chế cơ bản việc dùng xe vào việc riêng của đối tượng sử dụng cũng như của cá nhân lái xe”.
Mỗi năm trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, công ty Nhà nước có khoảng 10% xe đến kỳ thanh lý, tương đương với 1.900 xe. Nếu con số này không được bổ sung, việc thiếu xe có thể sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, các nhà quản lý đã chuẩn bị một phương án khá đặc biệt: Thay vì mua xe mới, các đơn vị sẽ phải mở rộng thuê xe của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để bổ sung cho số xe thanh lý.
Điều này sẽ thúc đẩy thị trường dịch vụ đi lại phát triển với mục tiêu dự kiến đến năm 2015 cơ bản sẽ chuyển sang sử dụng xe của doanh nghiệp dịch vụ (trừ vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn).
Theo Kho bạc Nhà nước, 6 tháng đầu năm 2006, Kho bạc đã từ chối thanh toán gần 75 tỷ đồng chi không đúng chế độ trong đó có 20 tỷ đồng tiền mua xe công.
Theo Mạnh Quân
Thanh Niên