Bộ sưu tập ngọc nghiến “độc” của doanh nhân xứ Kinh Bắc
Được cho là có cơ duyên với ngọc nghiến, doanh nhân trẻ Thang Văn Thắng (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đã làm cho giới sành thú chơi tiền tỉ này phát ghen với những bộ đồ chế tác bằng ngọc nghiến nguyên khối mà anh đang sở hữu.
Những kỳ vật của thiên nhiên
Hai mảnh mặt sập bề rộng mỗi mảnh gần 1m, dài 2,15m, dày gần 14 phân không hề cắt ghép mà được tạc ra từ những tảng nu nguyên khối; riêng phần yếm đã dày tới 7 phân, hoa văn sặc sỡ càng tôn thêm vẻ vững trãi và trân quý của chiếc sập... Điểm đặc biệt, trải qua quá trình xoay vần của tạo hóa và thời gian, những sắc vân gỗ đã lên màu vàng óng xoáy đều như đuôi công – đây được coi là “tấm giấy chứng nhận” chứng tỏ tảng nu này đã trải qua quá trình phong hóa, dầm mưa dãi nắng khá dài, có thể lên tới cả ngàn năm.
“Thiên duyên” của một doanh nhân trẻ
Con đường đưa Thắng tới với ngọc nghiến thật tình cờ. Trong một chuyến đi thăm người bà con tít tận vùng núi Sơn La, Lai Châu, tình cờ thấy ngoài góc vườn vứt lăn lóc một vật hình khối xù xì, nửa giống đá, nửa giống gỗ. Vật đó là do người anh họ mua lại của đồng bào dân tộc đi rừng, đào được dưới suối đem về. Vốn tinh tường về các loại gỗ, Thắng nhận ra ngay đây là một khúc nu nghiến hay còn gọi là ngọc nghiến. Cũng không khác gì trầm hương được hình thành từ cây dó bầu, ngọc nghiến hay còn gọi là gỗ nghiến “hóa thạch” được hình thành từ một “cái lỗi” hay khuyết tật nào đó như sâu bệnh, bị chặt chém, bị sét đánh… trong quá trình phát triển của cây. Cây gỗ nghiến phải dồn tích dưỡng chất vào chỗ bị thương để bảo vệ và chống sự xâm nhập từ bên ngoài nên phần này phát triển dị thường, tạo những phần gỗ mọc phình ra, đó chính là ngọc nghiến. Ngọc nghiến chỉ có ở những cây từ vài trăm năm tuổi trở lên và không phải cây nào cũng có thể hóa ngọc. Có khi cả cánh rừng già cả ngàn cây chỉ có một cây hóa ngọc. “Ngọc nghiến càng có niên đại lâu đời, hoa văn càng biến hóa độc đáo và đắt giá”, Thắng chia sẻ.
Hồi mới sưu tập, thấy anh thuê hết xe lớn, xe bé chuyên chở những hình khối xù xì, thô ráp trông chẳng có giá trị gì về chất đống trong nhà, không ít bạn bè chế giễu anh là… chơi dại. Nhưng đến khi quá trình chế tác hoàn thành, nhìn chiếc sập với vẻ đẹp tuyệt hảo, ánh lên màu vàng óng ả cộng với bộ bàn ghế hoa văn kỳ ảo, vân gỗ nổi rực rỡ, uốn lượn độc đáo, lạ mắt, nhiều người đã thực sự ngỡ ngàng. “Mất gần 3 năm ròng với vô số những chuyến trèo đèo lội suối, tôi mới sưu tập đủ lượng ngọc nghiến để chế tác thành bộ sập và bộ bàn trà này.
Việc chế tác ngọc nghiến không hề đơn giản. Bản chất của ngọc nghiến rất cứng nhưng lại khá giòn, xử lý không đúng chiều là gãy ngay. Hơn nữa, để nu nghiến lên được màu óng ả, nổi những vân gỗ huyền ảo đòi hỏi người thợ phải thực sự hiểu biết về công nghệ xử lý hóa chất. Sau khi phải trả giá bằng không ít những khối nu phải vứt bỏ vì dùng hóa chất tẩy rửa không phù hợp nồng độ, Thắng đã tìm ra bí quyết. “Lần đầu tiên cầm khúc ngọc nghiến thành phẩm trên tay, tôi đã sung sướng đến nghẹt thở ! Loại gỗ hóa thạch này được coi là một trong những thứ cổ vật cực quý hiếm, không phải cứ có tiền là mua được. Tôi nghĩ mình thực sự là người có duyên!”.
“Quý vật tầm quý nhân!”
Đam mê với đồ gỗ nhưng nghiệp chính của Thắng lại gắn bó với sơn. Là giám đốc điều hành của một trong những công ty phân phối và thi công sơn KOVA tại miền Bắc, suốt ngày mải mê với những công trình nhưng anh vẫn dành không ít thời gian cho thú chơi độc đáo của mình. Theo quan niệm của giới sành chơi, sở hữu ngọc nghiến, bên cạnh việc thể hiện đẳng cấp sang trọng, sự giàu sang phú quý, nó còn đem lại nhiều may mắn, tài lộc cực thịnh cho gia chủ. Giá của chiếc sập và bộ bàn ghế đặc biệt này chưa được tiết lộ nhưng theo như dân trong nghề khẳng định thì nó quả thật là… vô giá. Không chỉ có thế, trong bộ sưu tập ngọc nghiến của anh Thắng còn có đôi lọ lộc bình cao 1,67m, đường kính lên tới 50cm, pho tượng phật di lặc cao xấp xỉ 1,7m... Tất cả đều được chế tác từ những khúc ngọc nghiến nguyên khối.
“Điều tôi tự hào nhất là toàn bộ những khúc ngọc nghiến có được đều là tận thu từ những cây đã chết, bị vùi sâu dưới lòng sông, suối từ hàng ngàn năm chứ hoàn toàn không phải do phá rừng, chặt cây trái phép như người ta vẫn đồn thổi. Gặp được báu vật, tôi tự coi mình là người có duyên nhưng cửa nhà tôi (135 Minh Khai, Từ Sơn, Bắc Ninh) luôn rộng mở đón bạn bè gần xa tới thưởng lãm. “Quý vật tầm quý nhân”, tới một lúc nào đó, có ai hữu duyên hơn mình, tôi sẵn sàng chia sẻ”, anh Thắng nói.
Theo Thành Nam
Gia đình và Xã hội