Bổ sung các biện pháp áp dụng khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt
(Dân trí) - Luật Các tổ chức tín dụng quy định biện pháp sẽ áp dụng khi một tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, gồm biện pháp tự thân của ngân hàng và biện pháp hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống...
Đây là một trong những điểm mới quan trọng của Luật Tổ Các tổ chức tín dụng, được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn thông tin tại buổi họp báo công bố luật sáng 19/2, tại Văn phòng Chủ tịch nước.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết Luật Tổ chức tín dụng 2024 đã hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.
Theo đó, quy định trong luật đã giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, của nhóm cổ đông và người có liên quan. Luật quy định lộ trình 5 năm giảm dần giới hạn cấp tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm người có liên quan.
Luật mới cũng bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên, thông tin về người có liên quan của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng…
Những quy định trên, theo Phó Thống đốc, nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn tại tổ chức tín dụng.
Thông tin thêm về điểm mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, ông Đoàn Thái Sơn cho biết Luật đã bổ sung quy định yêu cầu ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong các trường hợp bị can thiệp sớm.
"Phương án khắc phục phải được xây dựng, thông qua trước ngày 1/7/2025 hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày được cấp giấy phép", theo Phó Thống đốc.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng, định kỳ ít nhất 2 năm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải cập nhật, điều chỉnh phương án khắc phục để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng.
Cách tiếp cận đối với can thiệp sớm tổ chức tín dụng cũng được thay đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Với tinh thần "từ xa, từ sớm", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn khẳng định khi phát hiện các tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng.
Văn bản này sẽ nêu rõ các yêu cầu, hạn chế đối với tổ chức tín dụng, bao gồm cả việc xây dựng, cập nhật phương án khắc phục để khắc phục các yếu kém phát sinh trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Trường hợp Tổ chức tín dụng thực hiện thành công phương án khắc phục và trở lại hoạt động bình thường, việc áp dụng các biện pháp hạn chế, yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước cũng chấm dứt.
Theo Phó Thống đốc, các trường hợp được can thiệp sớm cũng được rà soát, bổ sung so với luật hiện hành.
Đáng chú ý, Luật Các tổ chức tín dụng mới cũng bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt, trong đó quy định rõ các biện pháp sẽ áp dụng khi một tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, bao gồm các biện pháp tự thân của ngân hàng và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.
Về kiểm soát đặc biệt và các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng, Luật Các tổ chức tín dụng quy định phương án phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc, phương án giải thể, phương án phá sản.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định việc xây dựng, thực hiện các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt cũng đã được điều chỉnh để xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh thời gian qua.
Luật Các tổ chức tín dụng gồm 15 chương, 210 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7. Dự kiến sẽ có 2 nghị định và 4 thông tư để quy định chi tiết Luật Các tổ chức tín dụng 2024.