1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Bộ Nông nghiệp báo cáo Thủ tướng về tình trạng lúa chết ở Hậu Giang

Nguyễn Hải Bảo Kỳ

(Dân trí) - Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, kết quả đo độ mặn ruộng lúa vụ Đông xuân 2023-2024 nằm cạnh đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua xã Vị Thắng là 2,5‰, trong khi ngưỡng chịu mặn của cây lúa là 1,28‰.

Bộ Nông nghiệp báo cáo Thủ tướng về tình trạng lúa chết ở Hậu Giang - 1

Nông dân xót xa trước cảnh lúa chết ở Hậu Giang (Ảnh: Tạ Quang)

Vật liệu san lấp có độ mặn ra sao?

Liên quan vụ lúa chết do nhiễm mặn ở Hậu Giang, ngày 13/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Quốc Trị đã có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả xác minh các diện tích lúa bị chết nằm gần tuyến đường cao tốc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.

Theo đó, các mẫu phân tích lấy từ các ruộng lúa bị chết, gần đường cao tốc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp có độ mặn cao gấp nhiều lần so với ngưỡng chịu mặn cho phép.

Bộ Nông nghiệp báo cáo Thủ tướng về tình trạng lúa chết ở Hậu Giang - 2

Lúa bị thiệt hại tại khu vực ấp 9, xã Vị Thắng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cụ thể tại Hậu Giang, kết quả xác minh ghi nhận hơn 3ha lúa của 9 hộ tại xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy) bị ảnh hưởng do cát nhiễm mặn. Đây là diện tích trồng lúa nằm kề Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau, thuộc Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021-2025.

Theo kết quả đo nồng độ mặn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, mẫu lấy ở diện tích lúa bị chết có độ mặn 2,5‰ trong khi đó độ mặn của nước ruộng vùng không bị thiệt hại là 0,1‰.

Tiêu chuẩn cơ sở về ngưỡng chịu mặn TCCS 01:2024/TT ngày 19/4/2024 được ban hành kèm theo Quyết định số 179/QĐ-TT-ĐMT của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, ngưỡng chịu mặn của cây lúa là 1,28‰.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, sau khi thu hoạch 2,33ha lúa bị ảnh hưởng, sản lượng lúa đạt 13,49 tấn, năng suất trung bình đạt 6,04ha. Trong khi đó, năng suất trung bình ở những khu vực không bị ảnh hưởng là 7,6 tấn/ha. Theo đó, sản lượng lúa thiệt hại là 5,5 tấn. Các hộ dân đã được đơn vị thi công bồi thường thiệt hại 43,9 triệu đồng.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, đối với vụ lúa hè thu, trước đó, ngày 10/5, sau khi UBND xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy) có văn bản báo cáo nhận định về việc cát biển làm nền đường cao tốc có thể ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất lúa, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức đoàn công tác kiểm tra thực tế diện tích lúa gần đoạn đường thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn xã Vị Thắng.

Qua kiểm tra, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang ghi nhận có những ruộng lúa đã gieo sạ 20-25 ngày bị chết 70% diện tích, một số ruộng bị chết 20-50% diện tích. Kết quả đo độ mặn ở ruộng lúa bị chết là 6,6‰, tại lòng đường cao tốc là 1,8‰ và tại kênh thủy lợi là 0,4‰.

Cũng từ kết quả này, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị thi công có giải pháp cụ thể để độ nhiễm mặn của nước nơi thi công đảm bảo đúng tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT.

Bộ Nông nghiệp báo cáo Thủ tướng về tình trạng lúa chết ở Hậu Giang - 3

Ruộng lúa của người dân nằm sát công trình cao tốc Bắc - Nam, không có đê bao ngăn cách (Ảnh: Bảo Kỳ).

Nhà thầu khẳng định không sử dụng cát biển

Khoảng nửa năm nay, khi công trình cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn xã Vị Thắng triển khai bơm cát, lúa đông xuân 2023-2024 của người dân ấp 9 đang trổ bị vàng lá và chết rụi.

Do lúa bị thiệt hại nặng qua 2 vụ, người dân ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đã gửi đơn xin bồi thường thiệt hại đến ngành chức năng địa phương.

Tại cuộc họp ngày 23/5 ở UBND huyện Vị Thủy, đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân (ấp 9, xã Vị Thắng), Sở đã tổ chức đoàn đi khảo sát hiện trạng lúa chết.

Qua đó xác định lúa chết do nguồn nước nhiễm mặn ở cả vụ đông xuân 2023-2024 và vụ hè thu 2024.

Các cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang nhiều lần khẳng định lúa chết do "nhân tai", cụ thể là bị ảnh hưởng bởi công trình cao tốc Bắc - Nam.

Tuy ngành chức năng tỉnh Hậu Giang xác định lúa bị ảnh hưởng và chết là do nhiễm mặn, nhưng chưa xác định nguồn mặn này từ đâu; trong khi vùng bị ảnh hưởng là vùng ngọt hóa, chưa từng bị xâm nhập mặn.

Do đó, việc xác định nguồn nước mặn từ đâu là một việc quan trọng để có phương án xử lý đảm bảo cho bà con an tâm sản xuất trong những vụ lúa tiếp theo. 

Trong khi đó nhà thầu thi công là Tổng công ty Trường Sơn khẳng định nhà thầu thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua xã Vị Thắng không dùng cát biển làm đường. Cát được lấy ở An Giang, Đồng Tháp; việc quản lý nguồn cát được thực hiện rất tốt.