1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bổ nhiệm người nhà: “Hổ phụ sinh hổ tử” hay lạm dụng quyền lực?

(Dân trí) - Theo đại biểu Lê Thanh Vân, trường hợp “hổ phụ sinh hổ tử” không hiếm trong lịch sử nước ta, nhưng phải có đủ những yếu tố: nền chính trị minh bạch, nền giáo dục gia đình, ý thức tự tôn, tự trọng của hậu duệ. Tuy nhiên, do tiêu chí bổ nhiệm không minh bạch nên bổ nhiệm người nhà chủ yếu vẫn là lạm dụng nhằm trục lợi lợi ích kinh tế.

Như đã đưa tin, trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội ngày 22/5, cơ quan điều hành thừa nhận, công tác cán bộ còn những yếu kém, một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Trong đó có 9 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng) có 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà.

Sáng nay (23/5), phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Vân - đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - về vấn đề này.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, cần xây dựng một bộ tiêu chí về tiêu chuẩn chức danh để những ai tài hèn sức mọn thì không thể tiếp cận, dùng tiền cũng không mua được (Ảnh: BD)
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, cần xây dựng một bộ tiêu chí về tiêu chuẩn chức danh để những ai "tài hèn sức mọn" thì không thể tiếp cận, dùng tiền cũng không mua được (Ảnh: BD)

"Trí tuệ bị gạt ra ngoài"

- Thưa ông, ông có đánh giá gì về con số 9 tỉnh có 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà mà Chính phủ báo cáo với Quốc hội?

- Trước hết, con số báo cáo của Chính phủ là con số chính thức. Khi kiểm tra 9 tỉnh thì có 58 người thuộc “dòng dõi quan lại” thời nay. Đúng như câu vè của dân gian lâu nay xôn xao: Nhất trực hệ, nhì tiền tệ, tam quan hệ, tứ đồ đệ. Trước đây người ta nói tứ là trí tuệ nhưng gần đây câu vè điều chỉnh lại, trí tuệ bị gạt ra ngoài.

Con số 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà nếu như so sánh với số lượng chức danh lãnh đạo tại 9 địa phương thì quá nhỏ. Tuy nhiên, rõ ràng kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ đưa vào báo cáo của Chính phủ đã gióng lên hồi chuông khá báo động về tình trạng lạm dụng quyền lực hiện nay.

Rõ ràng chúng ta chưa có quy định chặt chẽ trong kiểm soát sử dụng quyền lực về việc bổ nhiệm cán bộ, nên quy trình có thể là đúng nhưng người có chức có quyền lại lạm dụng nó để đưa những nhân vật thân hữu làm lãnh đạo. Đây là vấn đề khiến dư luận xã hội rất bức xúc.

Nếu như chúng ta thường xuyên kiểm tra, bảo đảm quy trình chặt chẽ trong ban hành văn bản thì có thể khắc phục tình trạng này, đó cũng là tinh thần mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu trong phần giải pháp.

Tôi thấy lần này trong Chương trình Xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội chưa có một khởi xướng chính sách nào rà soát lại quy định đó bằng văn bản tầm đạo luật và ngay cả Chính phủ cũng chưa có Nghị định, Nghị quyết nào để triển khai thực hiện vấn đề đó, trong khi đây lại là điều mà dư luận đang bức xúc.

- Ông đánh giá thế nào khi lần đầu tiên Chính phủ đưa ra những con số đánh giá thẳng thắn về tình trạng này?

- Con số mà Chính phủ đưa ra trong báo cáo phản ánh thực trạng diễn biến từ lâu nay trước áp lực của dư luận. Ngay cả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng đánh giá thực trạng đó đã đến hồi cảnh báo.

Nó là biểu hiện của 1 trong 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa mà tôi là Đảng viên chưa bao giờ thấy Đảng ta ra một Nghị quyết với một cấp độ cảnh báo cao như vậy. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo cao.

Rõ ràng tình trạng lạm dụng quyền lực trong việc bổ nhiệm người thân, thân hữu đến hồi phải chỉnh đốn nghiêm túc. Bởi vì nó tác động trực tiếp tới bộ máy lãnh đạo, bộ máy quản lý, rường cột của bộ máy ấy. Cũng như căn nhà, cán bộ là kèo, khung sườn của một thiết chế nên việc bổ nhiệm cán bộ nhầm người là "thân hữu, trực hệ, tiền tệ" thì rất nguy hiểm.

Nguy hiểm ở chỗ những nhân vật ấy chất lượng phẩm hạnh kém thì làm sao ban hành chính sách pháp luật đúng đắn được? Rõ ràng là sẽ ban hành chính sách thiên theo hướng có lợi cho họ.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm không đúng cũng vận hành pháp luật vì lợi ích cho họ. Và thứ ba, dẫn đến vi phạm pháp luật ngày càng phổ biến, làm cho tính nghiêm minh của pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật bị xâm hại.

Đây là vấn đề không chỉ Đảng, Nhà nước mà nhân dân hết sức quan tâm, là vấn đề đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc. Vai trò của nhân dân, truyền thông báo chí là phải lên tiếng, cảnh báo làm cơ sở cho cơ quan chức năng vào cuộc.

Cần trừng trị việc tiến cử nhầm người gây hậu quả nghiêm trọng

- Một số ý kiến cho rằng, chuyện “hổ phụ sinh hổ tử” là bình thường, nên làm thế nào để loại bỏ tình trạng bổ nhiệm người nhà nhưng vẫn chọn được người có trình độ mà không mang tiếng “con ông cháu cha”?

- Trong lịch sử của dân tộc ta không hiếm trường hợp hổ phụ sinh hổ tử. Tính kế thừa truyền thống gia đình là một yếu tố quan trọng nhưng phải đặt trong bối cảnh nền chính trị ấy minh bạch.

Triều đại Lê Sơ của chúng ta nếu như Lê Thái Tổ khai mở ra triều Hậu Lê và cháu nội ông là Lê Thánh Tông cũng phải qua trải nghiệm đau khổ mới được các quan đề cử trở lại làm vua thì đó là một vi minh quân rất sáng trong lịch sử. Ở đây tôi muốn nói đến tính công bằng, khách quan, minh bạch trong tiến cử lựa chọn nhân tài.

Hay ở Singapore, nhìn sang nước bạn thì ông Lý Hiển Long là con trai của ông Lý Quang Diệu, nhưng đất nước Singapore luôn đánh giá đây là những nhân vật cải cách.

Rõ ràng, "hổ phụ sinh hổ tử" có mấy yếu tố: một là nền chính trị minh bạch, nền giáo dục gia đình, ý thức tự tôn, tự trọng của hậu duệ. Còn nhìn vào cách bổ nhiệm người nhà ở ta không có tiêu chí gì cả, đó là quá trình lạm dụng quyền lực để đưa con cháu của mình nối dõi, nhằm trục lợi lợi ích kinh tế, vật chất.

Vì việc bổ nhiệm kiểu này không minh bạch nên xã hội mới gióng lên hồi chuông cảnh báo đến mức Đảng phải ra Nghị quyết, Nhà nước phải đưa vào các hoạt động kiểm tra.

- Vậy theo ông, để khắc phục cần phải làm gì?

- Để khắc phục, trước hết cần xây dựng một bộ tiêu chí về tiêu chuẩn chức danh làm sao cho những ai tài hèn đức mọn thấy bộ tiêu chí ấy thì không muốn, không dám và không thể tiếp cận được, dùng tiền cũng không mua được.

Thứ hai, cơ chế tiến cử, đề cử phải gắn với trách nhiệm. Phải trừng trị những kẻ nào đề cử, tiến cử, bổ nhiệm nhầm người, gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là những khung hình phạt răn đe để người ta thấy được quyền lực Nhà nước bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân trao cho họ, không thể lạm dụng được, không thể biến của công thành của tư được!

- Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm