Bộ Công an muốn tăng “quyền” cứu hộ, cứu nạn cho lực lượng PCCC
(Dân trí) - Theo Bộ Công an, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy đang có nhiều bất cập về tổ chức, điều hành nên Chính phủ cần ban hành nghị định về công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng này thì mới đảm bảo những yêu cầu từ thực tiễn đang đặt ra.
Bộ Tư pháp đang tổ chức thẩm định dự thảo Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (PCCC) do Bộ Công an xây dựng.
Theo số liệu thống kê Bộ Công an đưa ra, từ năm 2001 đến hết năm 2015 trên cả nước đã xảy ra 444.311 vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều sự cố khác, làm chết gần 177.600 người, bị thương 343.340 người; trong đó, có 32.793 vụ cháy, nổ làm chết 1.210 người, bị thương 3.290 người; 333.696 vụ tai nạn giao thông, làm chết 168.539 người, bị thương 317.946 người; 77.822 vụ tai nạn lao động, làm chết 7.838 người và 22.187 người bị thương nặng.
“Qua nghiên cứu, phân tích cho thấy các vụ sự cố, tai nạn xảy ra đòi hỏi phải được tiến hành cứu nạn, cứu hộ kịp thời nhằm ngăn ngừa hậu quả, thiệt hại về người, tài sản tiếp tục diễn ra. Đối với công tác cứu nạn, cứu hộ trong các sự cố, tai nạn nêu trên là công tác liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lực lượng và liên quan trực tiếp đến an sinh, trật tự an toàn xã hội nên việc tổ chức cứu nạn, cứu hộ vẫn còn lúng túng, chậm trễ và không có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất nên hiệu quả không cao, không bảo đảm ngăn chặn, khắc phục kịp thời thiệt hại trong các sự cố, tai nạn đó”- Bộ Công an nhận định.
Theo Bộ Công an, trước tình hình các vụ sự cố, tai nạn xảy ra ngày càng nhiều và phức tạp cả về tính chất và mức độ thiệt hại nghiêm trọng đòi hỏi cần phải được cứu nạn, cứu hộ kịp thời nhằm ngăn ngừa hậu quả, thiệt hại về người, tài sản tiếp tục diễn ra. Bên cạnh đó việc tổ chức công tác cứu nạn, cứu hộ phải chuyên nghiệp cần một lực lượng chính quy, tinh nhuệ, được đầu tư đào tạo chuyên sâu để kịp thời cứu nạn, cứu hộ nhằm ngăn ngừa hậu quả, thiệt hại về người, tài sản tiếp tục diễn ra.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 44 về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC, quy định về nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ; các tình huống cơ bản trong cứu nạn, cứu hộ; về lực lượng và nhiệm vụ của lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm điều kiện cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ.
Tuy nhiên đến nay công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do còn thiếu cơ sở pháp lý. Quyết định số 44/2012 mặc dù đã tạo được cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng này nhưng phạm vi điều chỉnh chưa mang tính bao quát để điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động cứu nạn, cứu hộ.
Chính vì thế, việc ban hành nghị định của Chính phủ sẽ là giải pháp hiệu quả, có tính khả thi, góp phần hoàn thiện một bước hệ thống cơ quan tìm kiếm cứu nạn nói chung, cơ quan chuyên trách cứu nạn, cứu hộ nói riêng.
Không chồng chéo nhiệm vụ, chức năng
Trước ý kiến của Bộ Tư pháp về việc Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) không giao Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC, Bộ Công an phân tích: Từ khi có Luật Phòng cháy và chữa cháy, mặc dù chưa rõ ràng về trách nhiệm của lực lượng PCCC trong công tác cứu nạn, cứu hộ đối với các sự cố, tai nạn ngoài sự cố cháy nổ nhưng lực lượng PCCC mà nòng cốt là Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn luôn có mặt ở khắp các địa bàn, khu vực từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn để sẵn sàng thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả.
Trên thực tiễn, khi có các vụ việc xảy ra thì người dân đều gọi cho lực lượng cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn để triển khai lực lượng, phương tiện xử lý. Mặt khác, Luật Phòng cháy và chữa cháy vừa được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và Quốc hội khóa mới đang tập trung kiện toàn nên chưa thể đề xuất sửa đổi trong thời gian này.
Xuất phát từ yêu cầu đòi hỏi tính cấp thiết về kịp thời xử lý các tình huống sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống xã hội, Bộ Công an đề nghị Chính phủ ban hành nghị định này là phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Đối với ý kiến của Bộ Quốc phòng về việc dự thảo nghị định chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác gồm Luật Phòng, chống thiên tai, Nghị định 66/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Quyết định số 1041/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020, Bộ Công an khẳng định “hoàn toàn không chồng chéo”.
Cụ thể, các quyết định trên chỉ quy định ứng phó với các tình huống mang tính thảm họa, đặc biệt nghiêm trọng như lũ lụt lớn, sóng thần, lũ quét, thảm họa cháy rừng, động đất, sập đổ nhà cao tầng, cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn khí,... cần phải có sự điều phối mang tính chất quốc gia, cụ thể là phải có sự điều phối của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Riêng việc cứu nạn, cứu hộ đối với những sự cố, tai nạn xảy ra hàng ngày có tính chất ít nghiêm trọng hơn như: các sự cố, tai nạn trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày; tàu thuyền bị đắm trên sông, hồ; tai nạn trên sông, nước; tai nạn trong các nhà, công trình bị sập đổ; người bị mắc kẹt trên cao, dưới giếng, hố sâu, trong hầm, hang, các khu du lịch, bãi tắm… thì mới chỉ được quy định ở Quyết định số 44/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, Quyết định số 44/2012 mới chỉ giao thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng PCCC mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC vẫn còn nhiều bất cập về tổ chức, hoạt động cứu nạn, cứu hộ, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ, thống nhất chỉ huy, điều hành trong cứu nạn, cứu hộ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác cứu nạn, cứu hộ nên cần phải có văn bản pháp lý cao hơn là Nghị định để quy định cụ thể các nội dung này trong công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC.
Thế Kha