1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bộ Công an giải đáp thắc mắc về việc kiểm soát thông tin cá nhân trên mạng

(Dân trí) - Bộ Công an khẳng định, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (bằng văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu lực lượng này lạm dụng, làm lộ thông tin cá nhân của người sử dụng sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Cổng thông tin điện tử Bộ Công an vừa đăng tải trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến việc Luật An ninh mạng có kiểm soát, làm lộ thông tin cá nhân của người sử dụng và có cấm người sử dụng Internet truy cập các trang mạng xã hội như Facebook, Google, Youtube... hay không?

Bộ Công an khẳng định Luật An ninh mạng không cấm người dân truy cập Facebook, Google, Youtube (Ảnh minh hoạ).
Bộ Công an khẳng định Luật An ninh mạng không cấm người dân truy cập Facebook, Google, Youtube (Ảnh minh hoạ).

Đáp ứng yêu cầu cấp thiết về bảo vệ an ninh mạng

Theo Bộ Công an, Việt Nam đang phải đối phó với hàng chục nghìn cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao mỗi năm, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, gây tổn thất nặng nề về kinh tế.

Không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng trên không gian mạng còn bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng để phát tán thông tin kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn, khủng bố, lật đổ chính quyền nhân dân, xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia.

Tình trạng đăng tải thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm tôn giáo; lan truyền thông sai sự thật, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân… diễn ra tràn lan trên không gian mạng nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc về nhân mạng, tinh thần.

“Hoạt động sử dụng không gian mạng để xâm phạm trật tự, an toàn xã hội ngày càng gia tăng và phức tạp như: đánh bạc, lừa đảo, đánh cắp tài khoản ngân hàng, rửa tiền, mại dâm, ma túy… Năng lực, tiềm lực quốc gia về an ninh mạng chưa có chính sách điều chỉnh phù hợp, kịp thời; sự phụ thuộc vào thiết bị công nghệ thông tin có nguồn gốc nước ngoài đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng, hình thành nền công nghiệp an ninh mạng”- Bộ Công an cho hay.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về an ninh thông tin, an ninh mạng tại các bộ, ban, ngành, địa phương còn tồn tại những bất cập, hạn chế, thiếu đồng bộ do chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh vấn đề này cho đến khi Luật An ninh mạng được ban hành.

Do vậy, Bộ Công an khẳng định việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay.

Không kiểm soát và làm lộ thông tin của công dân

Theo Bộ Công an, khi được ban hành, Luật An ninh mạng có tính thống nhất cao với hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam, bởi không gian mạng đã bao phủ toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Luật An ninh mạng có phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp một số nội dung theo 29 điều của Bộ luật Hình sự; có liên quan tới các quy định về bảo vệ quyền con người trong Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các văn bản khác có liên quan; đồng thời liên quan chặt chẽ tới Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (bằng văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê duyệt (Ảnh minh hoạ).
Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (bằng văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê duyệt (Ảnh minh hoạ).

“Luật An ninh mạng được ban hành không kiểm soát và làm lộ thông tin của công dân. Luật quy định chỉ khi phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, Luật An ninh mạng mới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin cá nhân có liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật đó”- Bộ Công an nêu rõ.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (bằng văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản có liên quan đã quy định rõ về việc quản lý, sử dụng thông tin được cung cấp để phục vụ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng.

Các hành vi như chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ, xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi, đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của người khác mà chưa được phép của người sử dụng hoặc trái quy định của pháp luật sẽ bị xử lý.

“Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng nếu lạm dụng, làm lộ thông tin cá nhân của người sử dụng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Luật An ninh mạng không cấm người dân truy cập Facebook, Google, Youtube. Người dân Việt Nam vẫn được tự do truy cập vào các trang mạng này hay bất kỳ trang mạng xã hội nào khác ở trong và ngoài nước”- Bộ Công an khẳng định.

Luật An ninh mạng quy định các biện pháp bảo vệ về an ninh mạng cho người dân khi tham gia hoạt động trên các trang mạng xã hội như Facebook, Google... Tuy nhiên, người nào sử dụng những mạng xã hội trên hoặc bất kỳ mạng xã hội nào khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm