1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Công an điều tra vụ mạo danh giáo viên, lừa báo tin 'con đang cấp cứu'

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Bộ Công an đã điều tra và làm rõ thủ đoạn mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện để liên hệ với phụ huynh, lừa báo tin "con nhập viện cấp cứu".

Nhiều vụ việc nóng dư luận xã hội và người dân quan tâm thời gian qua đã được "điểm danh" trong báo cáo công tác dân nguyện tháng 2. Báo cáo này được xem xét chiều 15/3, tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xử lý 15 vụ lừa đảo núp bóng công ty luật

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình dẫn báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, cho thấy trong tháng 2, việc công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm nhiều so với tháng trước. Tuy nhiên, tình hình khiếu kiện tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc khiếu kiện tập trung đông người, gây phức tạp về an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, báo cáo dân nguyện cũng đề cập việc người dân phản ánh về tình trạng dịch vụ cầm đồ hoạt động theo hình thức doanh nghiệp tài chính tự ban hành lãi suất, phí cao, trái quy định; tình trạng đòi nợ thuê núp bóng Công ty Luật, Công ty mua bán nợ…

Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan xử lý nghiêm minh trường hợp đòi nợ thuê núp bóng công ty luật, công ty mua bán nợ… gây bức xúc, hoang mang trong dư luận và người dân.

Bộ Công an điều tra vụ mạo danh giáo viên, lừa báo tin con đang cấp cứu - 1

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an (Ảnh: Phạm Thắng).

Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Công an xử lý tình trạng lập công ty "ma" để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng; tình trạng yêu cầu người dân xuất trình các loại giấy tờ chứng minh thông tin về nơi cư trú… vẫn tiếp diễn.

Cũng theo ông Bình, người dân lo lắng về tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện để liên hệ trực tiếp phụ huynh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn đang được nhập viện cấp cứu, hòng chiếm đoạt tài sản.

Báo cáo thêm tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết tình trạng đòi nợ thuê núp bóng công ty luật và công ty mua bán xuất hiện từ tháng 10/2022. Đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý theo quy định với 15 công ty.

Trước tình trạng thủ đoạn mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện liên hệ trực tiếp phụ huynh báo tin về việc học sinh phải nhập viện cấp cứu để chiếm đoạt tài sản, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết một số trường hợp đã chuyển tiền.

Theo ông Tỏ, đơn vị chức năng của Bộ đã điều tra, phát hiện vi phạm và làm tốt công tác phòng ngừa với thủ đoạn trên.

Nhiều kiến nghị liên quan đến dự án điện gió, điện mặt trời

Liên quan đến một số vụ việc phức tạp, kéo dài, Ban Dân nguyện đề cập vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp liên quan đến việc thực hiện dự án điện gió tại tỉnh Gia Lai.

Với kiến nghị của gần 300 hộ dân trên địa bàn tỉnh, Ban Dân nguyện đánh giá "có nhiều vướng mắc" do hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió.

Về việc công dân phản ánh về tác động của cánh quạt điện gió khi trời mưa và tiếng ồn của tuabin cánh quạt gió gây ảnh hưởng đến tài sản, quyền sử dụng đất và sức khỏe của người dân, theo Ban Dân nguyện, là có cơ sở.

Bộ Công an điều tra vụ mạo danh giáo viên, lừa báo tin con đang cấp cứu - 2

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Bình (Ảnh: Phạm Thắng).

Cơ quan này cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xác định mức độ ảnh hưởng để có hướng dẫn cụ thể, tạo cơ sở pháp lý cho chính quyền địa phương có căn cứ xem xét, giải quyết và đảm bảo quyền lợi ích chính đáng của người dân.

Liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ về đất đai, tài sản bị ảnh hưởng khi xây dựng tuyến đường dây 220kV đấu nối đã được quy định, người dân trên địa bàn phản ánh đơn giá đất bồi thường thấp, mức bồi thường chưa thỏa đáng.

Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, tránh bức xúc, không có hành vi ngăn cản hoạt động dự án điện gió.

Cùng với đó, cơ quan chức năng của địa phương cần phối hợp chặt chẽ với chủ dự án đường dây 220kV đấu nối hai dự án Nhà máy Điện gió Ia Pết - Đak Đoa 1 và Ia Pết - Đak Đoa 2 để có phương án bồi thường, hỗ trợ phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Trưởng Ban Dân nguyện cũng đề cập đến kiến nghị của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam liên quan đến Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam ở tỉnh Ninh Thuận.

Cụ thể, công ty này kiến nghị việc EVN dừng khai thác 172 MW trong tổng công suất 450MW của Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam và việc EVN chậm tiếp nhận trạm biến áp 500 kV, hệ thống đường dây 500 kV, 220kV đấu nối do công ty đầu tư, xây dựng.

Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý về việc tiếp nhận trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và hạ tầng truyền tải 500kV, 220 kV Thuận Nam do Công ty Trung Nam Thuận Nam đầu tư, xây dựng sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp nhận, quản lý và vận hành.

Bộ Công Thương được yêu cầu tiếp tục chỉ đạo EVN giải quyết dứt điểm kiến nghị có cơ sở của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam về việc sớm khai thác phần công suất 172 MW của nhà máy điện mặt trời.