1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Công an đề xuất bỏ, Bộ Tư pháp kiên quyết giữ giấy khai sinh

(Dân trí) - Dẫn cả văn bản của Chính phủ nêu quan điểm giữ giấy khai sinh nhưng đại diện Bộ Tư pháp chưa trả lời câu hỏi, nếu vậy, việc làm Thẻ căn cước công dân của Bộ Công an với hướng đề xuất bỏ loại giấy tờ này bị ảnh hưởng thế nào…

Tại cuộc họp báo quý III của Bộ Tư pháp sáng nay, 16/10, nói về luật Hộ tịch, Chánh Văn phòng - người phát ngôn của Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, hiện còn một nội dung lớn còn ý kiến khác nhau, có liên quan đến luật Căn cước Công dân mà Bộ Công an đang xây dựng – đó là việc không cấp giấy khai sinh cho trẻ em (theo dự thảo luật Hộ tịch), thay thế vào đó là cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ (theo dự thảo luật Căn cước công dân).

Về vấn đề này, ông Dũng thông tin, Chính phủ đã có công văn gửi UB Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm đề nghị tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em. Lý do đưa ra là việc này cần thiết, phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ luật Dân sự, luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Ngoài ra, việc cấp thẻ Căn cước công dân, theo người đại diện Bộ Tư pháp, chỉ nên thực hiện đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên vì trước hết, căn cước công dân là thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân để xác định một con người cụ thể, phân việc người này với người khác. Nhân dạng là những đặc điểm cá biết và ổn định bên ngoài của một người mà nhờ đó có thể phân biệt người này với người khác. Do đó, việc cấp Thẻ căn cước cho trẻ em từ khi sinh đến dưới 14 tuổi chưa bảo đảm phù hợp với khái niệm “căn cước” vì giai đoạn này, các đặc điểm nhận dạng của trẻ chưa ổn định. Tong khi đó, các đặc điểm “gốc tích” của trẻ chủ yếu là các thông tin về khai sinh.
 
Thẻ căn cước công dân vừa được Bộ Công an tiết lộ
Thẻ căn cước công dân

Kinh nghiệm của các nước quản lý dân cư thông qua Thẻ căn cước cũng cho thấy tuyệt đại đa số các nước đều cấp Thẻ căn cước cho những người ở độ tuổi từ 14, 15 hoặc 18 trở lên – khi đặc điểm nhân dạng đã khá ổn định, ít thay đổi.

Việc bỏ cấp giấy khai sinh được cảnh báo sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt Nam khi có những giao dịch cần chứng minh thông tin về khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài, trong bối cảnh hầu hết các nước đều vẫn cấp giấy khai sinh.

Một vấn đề khác, theo pháp luật, người từ đủ 14 tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, cấp Thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng phương thức cấp chứng minh nhân dân hiện nay là phù hợp.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực Nguyễn Công Khanh trả lời thêm câu hỏi về khả năng cắt giảm giấy tờ, thủ tục khi luật Hộ tịch được thông qua. Cụ thể, qua đánh giá của Cục cảnh sát hành chính, luật được thông qua sẽ giúp cắt giảm từ 46 thủ tục xuống còn 25 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hộ tịch.

Về các loại giấy tờ, Bộ Tư pháp chỉ chủ trương giữ lại 2 loại giấy là giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn, còn nhiều loại giấy khác như giấy xác nhận cha mẹ con, hộ khẩu… với rất nhiều biểu mẫu khác sẽ được bỏ. Các sự kiện hộ tịch này diễn ra thì công dân chỉ cần đăng ký thông tin vào cơ sở dữ liệu, khi cần người dân có thể yêu cầu cơ quan chức năng cấp trích lục chứ không cần lưu giữ các loại giấy tờ này. Mức giảm như vậy được đánh giá là khá nhiều.

Nhấn mạnh việc Chính phủ đã 2 lần gửi văn bản lên UB Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ giấy khai sinh và khẳng định đó cũng là quan điểm của Bộ Tư pháp, Cục trưởng Khanh cho rằng, giấy khai sinh đã tồn tại từ lâu, trở thành thói quen trong đời sống xã hội, việc lưu giữ, sử dụng cũng không gây trở ngại gì trong sinh hoạt của người dân.

Trình bày thêm về kinh nghiệm của các nước, theo ông Khanh, hiện chỉ có Ấn Độ thực hiện việc cấp Thẻ căn cước cho trẻ em trên 5 tuổi nhưng ai yêu cầu giấy khai sinh thì cơ quan chức năng vẫn cấp. Thực tế đến giờ chưa ghi nhận thông tin nước nào bỏ giấy khai sinh.

“Mà nếu không có giấy khai sinh thì cũng không có nghĩa là bỏ thủ tục đăng ký khai sinh. Còn quyết định cuối cùng là của Quốc hội” – ông Khanh nói.

Từ đó, ông Khanh dẫn giải, Bộ Tư pháp vẫn xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ tịch của ngành trong quá trình thực hiện đăng ký khai sinh, cấp giấy khai sinh cho công dân. Cơ sở dữ liệu này không trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an đang xây dựng. Cụ thể, cơ sở dữ quốc gia về dân cư chỉ tập hợp những thông tin cơ bản nhất về cá nhân (khoảng 15-16 trường thông tin, trong đó có 7-8 trường thông tin về hộ tịch), còn cơ sở dữ liệu về hộ tịch của ngành tư pháp có tới khoảng 80 trường thông tin.

P.Thảo