1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ Công an bỏ quy định “ưu tiên” xe cán bộ cấp cao khi xảy ra tai nạn

(Dân trí) - Đó là thông tin được Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cung cấp cho phóng viên Dân trí sáng nay 30/3.

Thiếu tướng Trần Thế Quân (Ảnh: Tiền Phong).
Thiếu tướng Trần Thế Quân (Ảnh: Tiền Phong).

Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, sau một thời gian lấy ý kiến rộng rãi, dự thảo Thông tư Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của CSGT do Bộ Công an xây dựng sẽ được điều chỉnh theo hướng bỏ tất cả thông tin về việc ưu ái xe ô tô của “cán bộ cấp cao”.

“Chúng tôi sẽ điều chỉnh theo hướng mở rộng, nhiều đối tượng khác cũng phải giải quyết theo hướng như thế chứ không riêng cán bộ cấp cao. Thông tư này chỉ điều chỉnh về những va chạm giao thông trên đường, còn tai nạn tới mức gây chết người hoặc có dấu hiệu tội phạm thì sẽ chuyển sang cảnh sát điều tra chứ không còn thuộc thẩm quyền giải quyết của CSGT, không thuộc phạm vi thông tư này nữa”- ông Quân nói.

Ông Quân khẳng định dự thảo thông tư sẽ đưa ra những trường hợp được ưu tiên giải quyết “cho đi”, chứ không bắt buộc tất cả mọi trường hợp CSGT đều phải giữ lại phương tiện để giải quyết.

“Nếu việc lưu thông không nguy hiểm thì CSGT vẫn khám nghiệm hiện trường, lập biên bản rồi cho đi, giao phương tiện cho người dân mang về chứ không giữ lại. Trường hợp cần phải điều tra ngoài khám nghiệm thì mới giữ, còn không thì sau khi làm các thủ tục cần thiết thì giải quyết “cho đi”. Đối với cán bộ cấp cao cũng giải quyết như thế, nhưng theo yêu cầu cảnh vệ thì các đồng chí ấy cũng không lái xe nên phải giải quyết đảm bảo yêu cầu công vụ nữa. Chính vì thế phải giải quyết hợp tình, hợp lý”- ông Quân phân tích rõ.

Thiếu tướng Trần Thế Quân khẳng định, việc điều chỉnh dự thảo thông tư để đảm bảo phù hợp với thực tế, vừa đảm bảo yêu cầu công vụ, vừa đảm bảo công bằng và tránh như những dư luận.

Trước đó như Dân trí phản ánh, dự thảo Thông tư Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của CSGT được Bộ Công an lấy ý kiến rộng rãi quy định, nếu tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước thì hướng giải quyết được quy định theo 2 phương án.

Thứ nhất, nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tham gia giao thông thì lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho đi; định thời gian yêu cầu người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết.

Tuy nhiên, nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó không đủ điều kiện tham gia giao thông thì áp dụng phương án hai, tức là phải giải quyết cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đến địa điểm an toàn hoặc đến nơi cần thiết theo yêu cầu của cán bộ đó. Trường hợp cán bộ đó trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì trước khi giải quyết cho đi phải lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản; định thời gian yêu cầu cán bộ đó đến trụ sở cơ quan Công an để giải quyết.

Những nội dung trong dự thảo thông tư này ngay lập tức tạo ra những tranh luận “sôi nổi” trong dư luận.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm