1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tại sao CSGT phải “ưu tiên” xe của cán bộ cấp cao khi có tai nạn giao thông?

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) khẳng định việc “ưu tiên” cho xe của cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước khi xảy ra tai nạn giao thông đã có từ lâu và áp dụng phổ biến trên thế giới để đảm bảo các yêu cầu về công vụ.

Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an (Ảnh: Tiền Phong).
Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an (Ảnh: Tiền Phong).

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, việc “ưu tiên” cho xe của cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước khi xảy ra tai nạn giao thông được nêu ra trong Dự thảo Thông tư Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của CSGT có phải quy định mới không ?

Thiếu tướng Trần Thế Quân: Đây không phải quy định mới, mà trước nay đã được lực lượng CSGT thực hiện rồi. Tuy nhiên lần này có một vài thay đổi nên phải xây dựng thông tư mới.

Quan điểm của Bộ Công an là những cái gì liên quan đến người dân thì phải đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, công khai, để người dân đóng góp ý kiến. Dự thảo thông tư này cũng vậy, đang được Bộ Công an lấy ý kiến rộng rãi qua Cổng thông tin điện tử Bộ Công an ( www.mps.gov.vn ).

Ngay khi báo chí phản ánh về nội dung này đã có nhiều ý kiến băn khoăn, cho rằng về nguyên tắc thì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật ?

Đúng là về nguyên tắc thì tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên đối với cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước thì còn phải đảm bảo cả những yêu cầu khác nữa, đặc biệt là liên quan đến yếu tố công vụ. Đây là điều rất quan trọng và các nước trên thế giới đều phải thực hiện như vậy. Đối với cán bộ cấp cao phải được đảm bảo yêu cầu công vụ trong mọi trường hợp chứ không chỉ trong xử lý các vụ tai nạn giao thông đâu.

Do yêu cầu công vụ nên những cán bộ cấp cao thuộc diện phải được cảnh vệ, đặc biệt là lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì việc cảnh vệ còn phải bảo đảm những yêu cầu an toàn cao hơn nữa, chưa nói tới yêu cầu về công vụ.

Mặc dù ưu tiên “cho đi” nhưng trong dự thảo thông tư đã nói rất rõ rồi. Cán bộ cấp cao thường có lái xe riêng. Chính vì thế khi xảy ra tai nạn thì phải yêu cầu lái xe ký vào biên bản và giấy hẹn tới trụ sở cơ quan công an để tiếp tục giải quyết về sau này.

Khi xảy ra tai nạn, nếu xe của cán bộ cấp cao vẫn còn sử dụng được thì CSGT sẽ ưu tiên “cho đi”, nhưng nếu xe không thể đi tiếp được nữa thì lực lượng CSGT phải có trách nhiệm bố trí phương tiện để đưa cán bộ cấp cao đó tới nơi an toàn hoặc địa điểm thích hợp.

Tại sao trong dự thảo không nói rõ luôn “cán bộ cấp cao” gồm những người giữ cương vị lãnh đạo như thế nào để CSGT dễ dàng xử lý và tránh việc bị lợi dụng khi thông tư được ban hành ?

Định nghĩa về “cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước” đã có trong các luật cũng như quy định của Đảng và Nhà nước rồi. Lực lượng CSGT thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông trên đường sẽ được tập huấn rất kỹ để nắm rõ về việc này.

Nhưng thưa ông, sau khi ưu tiên “cho đi” như vậy thì việc điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông vẫn được thực hiện như bình thường, đảm bảo công bằng, khách quan và không còn có sự “ưu ái” nào nữa chứ ?

Đúng như vậy. Giải quyết vụ tai nạn thì đương nhiên phải đảm bảo về mặt công khai minh bạch, công bằng. Ngay thời điểm xảy ra vụ việc thì lái xe của cán bộ cấp cao vẫn phải ghi nhận, ký vào biên bản, sau đó mới đi. Đến hẹn thì người lái xe đó phải quay trở lại trụ sở cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc.

Ngay tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn thì lực lượng CSGT cũng phải khám nghiệm hiện trường, ghi nhận dấu vết bình thường cơ mà.

Dự thảo thông tư này sẽ được lấy ý kiến người dân đến khi nào, thưa ông ?

Chắc cũng phải kéo dài vài tháng đấy. Chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp của người dân, cơ quan báo chí để hoàn thiện dự thảo thông tư một cách hợp lý, phù hợp nhất.

Xin cảm ơn Thiếu tướng !

Tai nạn liên quan đến cán bộ cấp cao thì xử lý theo 2 phương án

Theo dự thảo Thông tư Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của CSGT đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, nếu tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước thì hướng giải quyết được quy định theo 2 phương án.

Thứ nhất, nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tham gia giao thông thì lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho đi; định thời gian yêu cầu người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết.

Tuy nhiên, nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó không đủ điều kiện tham gia giao thông thì áp dụng phương án hai, tức là phải giải quyết cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đến địa điểm an toàn hoặc đến nơi cần thiết theo yêu cầu của cán bộ đó. Trường hợp cán bộ đó trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì trước khi giải quyết cho đi phải lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản; định thời gian yêu cầu cán bộ đó đến trụ sở cơ quan Công an để giải quyết.

Dự thảo thông tư cũng quy định việc làm đầu tiên của CSGT là ghi nhận vị trí người bị nạn trước khi đưa đi cấp cứu. Trường hợp sử dụng phương tiện giao thông liên quan đến tai nạn để đưa người đi cấp cứu phải sơ bộ ghi nhận vị trí của phương tiện, vị trí dấu vết trên phường tiện, tạm giữ giấy tờ của phương tiện và giấy tờ của người điều khiển phương tiện...

Thế Kha (thực hiện)