Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành lập 10 đoàn đi kiểm tra 30 tổ chức đảng

Hoài Thu

(Dân trí) - Năm 2023, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định thành lập 5 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, 5 Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư do các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư làm Trưởng đoàn.

Ngày 7/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Cuộc họp cũng nghe Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo kết quả các đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2022 và đề xuất Chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023.

Kiểm tra công tác PCTN, xử lý các vụ án dư luận quan tâm

Bộ Chính trị cho biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã báo cáo kết quả 6 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, 5 Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư, kiểm tra 33 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương theo Chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2022.

Bộ Chính trị ghi nhận các cấp ủy, tổ chức Đảng đã đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành lập 10 đoàn đi kiểm tra 30 tổ chức đảng - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư (Ảnh: TTXVN).

Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng phát huy ưu điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm, có giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra, báo cáo Ban Bí thư trong quý I/2024.

Trong năm 2023, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định thành lập 5 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, 5 Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư do các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư làm Trưởng đoàn, kiểm tra 30 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.

Các Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị sẽ kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với kết quả thực hiện Nghị quyết số 26 của Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Nội dung kiểm tra của các Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư là việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21 của Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Nội dung đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; việc thực hiện Chỉ thị số 26 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận quan tâm… cũng sẽ được kiểm tra trong năm 2023.

Cần chính sách đặc biệt trọng dụng nhân tài

Về Đề án Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27, Bộ Chính trị nhận định đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng.

Song Bộ Chính trị cho rằng vẫn còn bất cập như thiếu cơ chế, chính sách đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong và ngoài nước, nhất là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành lập 10 đoàn đi kiểm tra 30 tổ chức đảng - 2

Cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 7/4 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì (Ảnh: TTXVN).

Khẳng định trí thức Việt Nam là bộ phận nhân lực chất lượng cao, Bộ Chính trị nhấn mạnh đây cũng là lực lượng lao động sáng tạo, trực tiếp tham gia, cống hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Vì vậy, Bộ Chính trị nhận định xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý... là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bên cạnh đó, cần xác định đẩy mạnh cải cách thể chế, huy động các nguồn lực xã hội; có cơ chế, chính sách đặc biệt trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành. Theo Bộ Chính trị, những việc này chính là tạo môi trường, điều kiện và động lực căn bản để phát triển và phát huy đội ngũ trí thức.

Bộ Chính trị giao cho Ban Chỉ đạo Đề án tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị và các cơ quan liên quan để hoàn thiện Đề án, báo cáo Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng.