1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định: Ít nhất 13 khu vực nguy cơ sạt lở cao, phải di dời dân

Doãn Công

(Dân trí) - Tỉnh Bình Định xác định 39 khu vực có nguy cơ sạt lở, trong đó có 13 khu vực nguy cơ sạt lở cao, với khoảng 500 hộ dân phải di dời trong tình huống khẩn cấp.

Chiều 27/9, UBND tỉnh Bình Định tổ chức họp công tác chuẩn bị ứng phó mùa  mưa lũ năm nay.

Bình Định: Ít nhất 13 khu vực nguy cơ sạt lở cao, phải di dời dân - 1

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, chủ trì cuộc họp (Ảnh: Doãn Công).

Tại cuộc họp, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho hay toàn tỉnh có 64 hồ chứa nước, tổng dung tích gần 700 triệu m3. Qua kiểm tra, có 23 hồ hư hỏng, tích nước hạn chế. Trong đó có 13 hồ đã bố trí vốn sửa chữa, còn 10 hồ chưa bố trí vốn.

Đối với các hồ xung yếu, hạn chế tích nước, các địa phương cơ bản chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm "4 tại chỗ" để kịp thời ứng phó khi thiên tai xảy ra; mở thông thoáng dòng chảy trước tràn xả lũ; hệ thống đê, kè, sông, công tác thông thoáng dòng chảy trên sông suối, các công trình đang triển khai thi công… cơ bản đảm bảo.

Ông Chương đánh giá, công tác phòng, chống thiên tai năm nay được các địa phương đặc biệt quan tâm. Tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố và 159 phường, xã, thị trấn đều thành lập Ban chỉ huy PCTT-TKCN và Phòng thủ dân sự.

Tuy nhiên, vấn đề lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và địa phương lo lắng là công tác phòng, chống sạt lở đất, đặc biệt khu vực nguy cơ sạt lở cao có dân cư sinh sống.

Bình Định: Ít nhất 13 khu vực nguy cơ sạt lở cao, phải di dời dân - 2

UBND TP Quy Nhơn (Bình Định) đang khẩn trương khắc phục hậu quả sạt lở núi bà Hỏa, xảy ra cách đây 2 năm (Ảnh: Doãn Công).

Theo UBND tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có 39 khu vực nguy cơ sạt lở, trong đó 13 khu vực nguy cơ cao, 19 khu vực nguy cơ thấp và 7 khu vực có khả năng bị chia cắt khi có sạt lở. Thống kê ban đầu, khoảng 500 hộ dân phải di dời trong tình huống khẩn cấp.

Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho hay trên địa bàn có 2 khu vực nguy cơ sạt lở cao tại núi Đá với 76 hộ dân và núi Đá Chồng với 2 hộ dân. Công tác di dời người dân đã được huyện lên phương án cụ thể.

"Ngoài những điểm đã xác định, tình trạng sạt lở ở các khu vực khác rất khó lường. Năm 2021, tại xã An Trung, dù độ dốc thấp nhưng xảy ra sạt lở lớn. Trong khi đó, huyện An Lão có 7 xã miền núi có độ dốc cao, do vậy nguy cơ sạt lở rất cao khi mưa lớn. Đặc biệt, tuyến đường xã An Hòa đi xã vùng cao An Toàn độ dốc cao, một số điểm từng sạt lở gây chia cắt nên địa phương rất lo lắng", ông Lâm nói.

Bình Định: Ít nhất 13 khu vực nguy cơ sạt lở cao, phải di dời dân - 3

Năm 2021, mưa lớn khiến khu vực núi Cấm ở huyện Phù Cát sạt lở nghiêm trọng (Ảnh: Doãn Công).

Về sạt lở, đại diện Sở NN&PTNT kiến nghị tại các khu vực nguy cơ sạt lở cao có người dân sinh sống, các địa phương ngoài phương án di dời, về lâu dài, phải bố trí tái định cư.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu các địa phương không được lơ là chủ quan, cần chuẩn bị các phương án cụ thể để chủ động ứng phó với bão lũ.

"Tôi không nghĩ trên địa bàn tỉnh chỉ có 39 khu vực nguy cơ sạt lở, các địa phương phải khẩn trương rà soát lại. Với các khu vực đã xác định nguy cơ sạt lở cao, trong tình huống khẩn cấp, phải di dời để bảo đảm an toàn tính mạng người dân", ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Thanh cũng lưu ý, riêng các điểm sạt lở đất, triều cường, khu vực ngập, các địa phương phải lập phương án rất cụ thể từ chỉ huy, lực lượng, phương tiện, thuốc men, hậu cần… để kịp thời hỗ trợ.

Riêng với tình trạng sạt lở núi ở huyện An Lao, phải cấm đường với các tuyến đường nguy cơ cao khi mưa lớn vì rất dễ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét.

Đối với tàu thuyền hoạt động trên biển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị cấm biển khi có bão lũ, đồng thời cưỡng chế với tàu bè không chịu vào nơi trú tránh an toàn.