TPHCM:
Biểu diễn Võ trận Bình Định trong ngày chiến thắng Đống Đa
(Dân trí) - Tương truyền, ba anh em nhà Tây Sơn là những người có vai trò khai sáng, phát triển và hoàn thiện các võ phái Bình Đình, truyền dạy cho nghĩa quân. Những kỹ năng chiến đấu này đã góp phần giúp nghĩa quân Tây Sơn làm nên chiến thắng Đống Đa, đại phá quân Thanh.
Vào ngày 14/2, kỷ niệm 224 năm Ngày chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử (1789 - 2013), tại Cung văn hóa Lao động TPHCM đã diễn ra chương trình Liên hoan Võ trận Bình Định với sự tham dự của nhiều võ phái cổ truyền.
Theo võ sư Trương Văn Bảo, võ trận là võ tác chiến, võ dùng cho trận mạc. Võ trận Bình Định là dòng võ nổi tiếng trong hệ thống võ cổ truyền Việt Nam. Bởi vậy, những bài quyền, bài binh khí của Võ trận Bình Định ít hoa mỹ, đẹp mắt mà thực dụng, quyết liệt và mạnh mẽ.
Các sử liệu dân gian đều ghi lại việc vua Quang Trung Nguyễn Huệ sáng tạo Yến phi quyền, Độc lư thương. Người em thứ 3 trong 3 anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Lữ thì sáng tạo nên Hùng kê quyền. Đây đều là những độc chiêu võ thuật được lưu truyền trong nghĩa quân Tây Sơn.
Sau này, khi nhà Tây Sơn sụp đổ, nhiều tướng lĩnh Tây Sơn mai danh ẩn tích, đem những thế võ độc đáo này truyền cho hậu thế theo hình thức võ phái và lưu truyền đến nay, tạo thành các phái võ Bình Định nổi tiếng.
Do đó, những bài quyền, bài bình khí biểu diễn trong ngày mùng 5 Tết Quý Tỵ, trong không khí cả nước mừng ngày nghĩa quân Tây Sơn đại phá 29 vạn quân Thanh, khiến người xem thêm cảm xúc tự hào mạnh mẽ. Khi những bài võ kết thúc, những người con phương Nam nhiệt liệt tán thưởng những bí kỹ đã làm nên sức mạnh của nghĩa quân Tây Sơn một thời.
Tùng Nguyên - Minh Kiệt