Biệt đội thiện chiến
2h chiều, trời nắng như đổ lửa nhưng tại trụ sở Trung đoàn Cảnh sát cơ động (PC18) trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh, TPHCM), gần 200 chiến sĩ vẫn hăng say luyện tập.
Quả đấm thép
Sau vài dòng giới thiệu cơ bản, Đại úy Vũ Ngọc Phan - Đội trưởng Đội đặc nhiệm, cho biết: “Nhiệm vụ trọng tâm của các tiểu đoàn và đội chuyên trách là bảo vệ các cửa ngõ và trung tâm thành phố. Cụ thể hơn, bên cạnh việc hỗ trợ khi có yêu cầu của Công an các quận, huyện, chúng tôi thường xuyên kết hợp tuần tra với CSGT chống nạn yêng hùng, tham gia đánh các vụ án ma túy lớn, bảo đảm an ninh trật tự tại các sân bóng, bảo vệ các yếu nhân khi đến tham quan và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, chống khủng bố…”.
Đóng tại trụ sở Trung đoàn, Đội đặc nhiệm có 35 chiến sĩ và Tiểu đoàn 3 dao động trên dưới 200 quân. Phần đông chiến sĩ tại đây có tuổi đời dưới 25, ai nấy đều hừng hực sức sống, tinh nhuệ, dũng cảm. Nhờ những ưu thế này và được đào tạo bài bản mà các chiến sĩ đều đảm nhiệm tốt những nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi bản lĩnh, kinh nghiệm, khả năng chịu đựng cao.
Đại úy Phan cho biết, do chỉ ra quân tại các điểm nóng, đối tượng mà đội trực tiếp chiến đấu phần lớn đều đặc biệt nguy hiểm nên đặc thù nhiệm vụ của các anh luôn phải đối mặt với gian nguy.
“Để tẩu thoát hoặc đạt được mưu toan, đối tượng sẵn sàng đâm chém, nã súng vào chiến sĩ và người dân lương thiện. Cũng có khi chúng đội lốt xúi giục, kích động người dân biểu tình. Đối phó với những đối tượng này, nếu không tỉnh táo, mưu trí và nghiệp vụ sắc bén sẽ gây hậu quả khó lường”.
Trong những nhiệm vụ khó khăn mà đội sẵn sàng nhận lệnh, nổi bật là nhiệm vụ thực thi bản án tử hình với những kẻ gây tội ác. Đây là nhiệm vụ vô cùng gian khó đòi hỏi mỗi chiến sĩ tham gia đội thi hành án phải có tâm lý vững vàng. Rồi những khi cận chiến với các đối tượng buôn ma túy có HIV với vũ khí chống đối là kim tiêm đầy máu. Nếu không can trường và tinh thần diệt trừ cái ác cao độ, các anh khó mà hoàn thành được nhiệm vụ.
Lính chiến luyện Kung-fu
Trụ sở Trung đoàn cơ động là cụm liên cơ gồm 3 tòa nhà cao tầng. Trái với hình dung của chúng tôi, sân tập không phải là nền cỏ hay được trải nệm êm mà là nền xi măng xám xịt.
Buổi thao tập của Tiểu đoàn 3.
Trung tá Trần Dân Dương, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 - chỉ huy trực tiếp phụ trách việc huấn luyện, cho biết: “Trước khi được biên chế vào Tiểu đoàn, các chiến sĩ đều trải qua thời gian huấn luyện đặc biệt. Những bài luyện tập hiện tại ở cấp độ cao hơn. Do anh em đều có nghề nên sân xi măng là… chuyện nhỏ”.
48 tuổi với 30 năm trong lực lượng Công an, không chỉ đặc biệt ở thành tích “bắt cướp nhiều không nhớ xuể”, Trung tá Dương còn đặc biệt ở tính kiệm lời nhưng khi vào chuyện thì rất hăng say. Mỗi tiếng hô dõng dạc của anh như truyền lửa cho những chiến sĩ trẻ. Từng đòn thế dàn trận hiểm hóc lần lượt được các anh triển khai bài bản, đồng bộ.
“Đây là thế tái chiếm. Tiếp đến là thế chống bạo động. Những đòn thế này đòi hỏi anh em phải phối hợp đồng bộ và tập trung cao độ. Mọi sự lơ là sẽ dẫn đến việc vỡ đội hình, nguy hại khó mà lường trước được”.
Do tập luyện nghiêm túc, ngày nào cũng tập luyện bất kể nắng mưa nên khi lâm trận, anh em chưa để lâm vào những tình huống đáng tiếc. Một chiến sĩ tên Hải cho biết, khi được biên chế vào đội, như hàng trăm chiến sĩ khác, anh phải tập từ những kỹ thuật cơ bản, ví như việc mặc quân trang tưởng đơn giản nhưng cũng đòi hỏi phải khổ luyện: “Thời gian đầu, có anh em phải mất đến 20 phút cho việc xỏ giày, mặc áo giáp, bao ốp chân, tay nhưng khi thành thạo rồi, chỉ trong 2-3 phút là đã nai nịt chỉnh tề”.
Trung tá Dương góp chuyện: “Chúng tôi luyện cho anh em khi có lệnh là xách quân trang lên xe chuyên dụng. Trong quá trình xe chạy đến hiện trường, chỉ chưa đầy 5 phút là anh em phải trong tư thế chiến đấu”.
Đại úy Vũ Ngọc Phan trò chuyện: “Chiến sĩ trong đội được đào luyện để có thể tác chiến trong mọi địa thế, tình huống khắc nghiệt. Để có sức khỏe chịu đựng những gian khó, anh em phải khổ luyện ngày đêm. Luyện thức trắng đêm quan sát đối tượng mà vẫn tỉnh táo, luyện chịu đựng giá rét, nắng mưa, ăn uống thất thường…”.
Một chiến sĩ bày tỏ: “Những khó khăn, vất vả trên thao trường chỉ là phần rất nhỏ so với những vất vả, hiểm nguy khi được lệnh tác chiến ngoài thực tế. Đổ mồ hôi trên thao trường sẽ giúp mình luôn duy trì phong độ, phản xạ nhanh, hành động dứt khoát, chuẩn với hình huống. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu này, khó có thể tránh những sự cố đáng tiếc có khi ảnh hưởng đến sinh mạng của chính mình, anh em trong đội và của người dân”.
Theo N.T.Dũng
Công an Nhân dân