1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Biến thịt heo chết thành "tươi"

Những lò mổ heo lậu nằm sâu trong những con hẻm khu vực đường Tân Sơn và Phạm Văn Bạch (phường 12, quận Gò Vấp, TPHCM) rất “giỏi” nghề phù phép thịt heo bệnh, chết thành thịt nóng hôi hổi. Cùng với nó là những chợ thịt heo lậu bày bán công khai...

Trên đường Tân Sơn, một chiếc xe ba gác chất đầy sáu con heo từ hướng đường Quang Trung ngoặt vào một con hẻm của khu phố 16, rồi đột ngột tấp hẳn vào căn nhà số 17...

 

Hai thanh niên mặt mày bặm trợn đang đứng chờ sẵn mở cổng đón xe heo vô nhà. Sự việc diễn ra chỉ chừng năm phút, căn nhà nhỏ trở lại im ắng như không có chuyện gì xảy ra. Chưa đầy một giờ sau, lại một xe heo nữa lò dò đi vào. Lần này là một xe tải nhẹ, thùng xe ngăn làm hai tầng, cả trên lẫn dưới đều chứa đầy heo, tiếp tục bò vào con hẻm. Rồi cũng thật nhanh gọn, bầy heo được xua xuống, ồn ào đi vô sâu trong nhà vài phút rồi mất dạng. Chiếc xe tải rồ máy phóng đi.

 

Toàn là heo lậu

 

Như một qui luật, vào thời điểm từ 17h trở đi là các xe heo cứ cách nhau chừng 40 phút tới một giờ thay nhau đi vào khu vực Tân Sơn. Trong khoảng hai giờ chiều 12/8, chúng tôi ghi nhận có tới tám lượt xe chở heo vô hẻm, đoạn cặp hông khu thao trường của Quận đội Gò Vấp và dừng lại cho heo “đổ bộ” vào một dãy liên hoàn của các căn nhà số ...30, ...32, ...34, ...36 thuộc tổ 124.

 

Trung bình mỗi ngày có 15-20 chuyến xe chở heo vào khu phố. Trong khu có tất cả 14 điểm tập kết heo, mỗi điểm tiếp nhận 10-15 con mỗi ngày. Kết quả xác minh cho thấy tất cả nhà chứa heo đều là nhà thuê, chủ hàng phần lớn là dân các tỉnh Thanh Hóa, Vĩnh Phúc... Điều đáng nói hơn toàn bộ đều là heo lậu, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch!.

 

Đúng 2 giờ sáng, tôi xách xe ra, đem theo hai cái giỏ đệm to mắc hai bên yên sau rồi thẳng hướng tới căn nhà số 8... (thuộc tổ 25 đường Phạm Văn Bạch). Người đi cùng tôi là anh H., một người chở heo quen thuộc của xóm lò heo này. Căn nhà dài hun hút, gian trước là phòng khách, cũng có bộ salon, tivi như bao căn nhà bình thường khác, nhưng càng vô trong mùi phân heo càng “đậm đà”.

 

Sàn mổ heo nằm phía trong cùng, trên một nền xi măng chật hẹp, chừng 16m2. Xung quanh ngổn ngang nồi lớn nấu nước sôi, mấy cái xô xách nước, cùng lỉnh kỉnh ca, thau, ấm và bộ dao bốn năm cái nhọn hoắt. Con heo được đưa ra “hành quyết” đã chết từ lâu, nằm cứng đờ, mấy anh thợ vừa xẻ heo vừa múc nước sôi nấu sẵn trong nồi lớn tưới đều lên mình heo. Tưới tới đâu họ cạo lông tới đó, thịt được xẻ ra để lẫn lộn với nước thải, phân heo...

 

Lấy huyết xoa lên

 

Khu vực này có đến 14 lò heo, cách nhau 80-100m có một lò. Cá biệt có một dãy liên hoàn bốn lò mổ ở cặp hông thao trường Quận đội Gò Vấp. Nguồn heo được các “lái” mua từ các vùng ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Bình Chánh... và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Long An...

 

Anh Trần Văn Q., một lái heo lậu đã giải nghệ, cho biết bình quân làm một con heo lậu lời 120.000-150.000đ. Mỗi ngày một chủ lò heo làm 15-20 con, tính ra lợi nhuận thu được 100-150 triệu đồng/tháng. “Nhưng đó là ít, bởi đa số chủ lò heo khu vực này đều có nghề biến heo chết bệnh thành heo sống”.

 

Qua lời giới thiệu của Q., tôi vào căn nhà số... 17 đường Tân Sơn. Tại đây, tôi chứng kiến các “đồ tể” đang rã thịt một con heo chết đã cứng đờ. Tôi nghe họ nói với nhau: “Kịp bán chợ chiều không?”. “Kịp chớ. Miễn còn tươi là được”.

 

Để cho thịt “tươi” như heo sống, khi xẻ dọc con heo ra làm hai, họ lấy huyết heo sống từ cái thau bên cạnh thoa đều lên các thớ thịt. Ngay lập tức, các thớ thịt đang sẫm màu bỗng trở thành đỏ tươi như mới ra lò. Trong chốc lát, con heo được xẻ nhỏ làm tám mảnh, cho vào các giỏ đệm đưa ra xe. Các chủ sạp đã cho người chờ sẵn, chỉ việc máng vào sau yên xe rồi rồ máy phóng đi.

 

Một lần đi lấy thịt từ lò ở căn nhà số 33... Phạm Văn Bạch, tôi thấy nhóm làm heo sau khi rã thịt liền lấy một thứ nước pha sẵn từ một cái thau tưới nhẹ đều lên miếng thịt. Tôi tò mò hỏi: “Nước gì vậy?”. Một người cho biết: “Nước pha hàn the làm miếng thịt dai dai ấy mà. Con heo này bị bệnh tai xanh chết hai ngày rồi. Chủ nuôi định chôn nhưng thằng lái xin về. Thứ này “tút” lại dai y như thịt heo rừng. Chủ quán nhậu mê loại này lắm”.

 

Tưởng nộp phạt là kiểm dịch

 

Không chỉ là nơi qui tụ nhiều lò heo lậu được xem lớn nhất nhì thành phố, Tân Sơn còn là chợ đầu mối thịt heo lậu nằm lọt thỏm trong giữa khu phố 16. Chợ này phục vụ chủ yếu đối tượng bình dân nên thịt heo lậu sau khi làm xong được đưa ra bày bán công khai. “Miễn sao nhìn miếng thịt thấy đỏ tươi, da giòn giòn là biết ngon rồi” - một bà nội trợ cho biết như vậy khi đang chọn mua thịt tại một sạp trong chợ.

 

Cũng giống như chợ Tân Sơn, chợ “chồm hổm” Thạch Đề trên đường Phạm Văn Chiêu phục vụ chủ yếu là người lao động nghèo trong các khu công nghiệp lân cận. Các sạp bán thịt heo trong chợ đều bày bán đủ các loại từ xí quách, lòng, nạc, ba rọi, chân giò... đều không có mộc xanh kiểm dịch.

 

Bà Trần Thị Sen, một chủ sạp, bảo đảm: “Thịt heo lấy từ một mối quen làm ăn lâu năm nên rất có uy tín, chủ yếu ở lò Tân Sơn. Heo mới mổ hồi trưa ở lò, đem ra bán liền, anh coi đi, còn nóng hổi...”. Khi được hỏi “sao thịt heo không có dấu kiểm dịch?”, bà đáp: “Hằng tuần cán bộ thú y đều ra sạp thu tiền, ra biên lai, tui tưởng đó là tiền kiểm dịch rồi mà!?”.

 

Một cán bộ có trách nhiệm ở phường 12, quận Gò Vấp cho biết chợ Tân Sơn có tất cả 102 sạp bán thịt heo, chỉ có bốn sạp là có kiểm dịch của thú y, còn lại đều không. Tương tự, chợ Thạch Đề cũng có gần 100 sạp thịt, nguồn thịt cung cấp đa số là từ các lò trong khu phố. Trả lời câu hỏi “tại sao thịt heo lậu được bày bán công khai?”, vị cán bộ này cho biết “vì đã được thú y đóng phạt mỗi sạp 70.000 đồng” nên các chủ sạp ung dung bán thịt, coi như heo lậu đã được hợp thức hóa.

 

Ông T.V.Đ., cán bộ hưu trí ở khu phố 16, phường 12, quận Gò Vấp, đặt vấn đề: “Phường rồi quận đã nhiều lần lên kế hoạch triệt phá, tốn hao biết bao công văn, chỉ thị... rồi mà các lò mổ vẫn bình chân như vại”.

 

Theo Dương Thế Hùng
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm