"Biện pháp khẩn cấp chống dịch nên có thời hạn, có thể đến cuối năm 2022"
(Dân trí) - Chính phủ trình Quốc hội biện pháp đặc biệt chống Covid-19 như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp. Cơ quan thẩm tra cho rằng, biện pháp cấp bách chỉ nên thực hiện có thời hạn, đến hết 2022.
Trong phiên họp chiều 24/7, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ về việc đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội và báo cáo thẩm tra của UB Xã hội.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm UB Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá, thời gian qua, Chính phủ đã áp dụng linh hoạt các quy định của pháp luật có liên quan để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, đã khống chế thành công ba đợt dịch và đang nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát dịch lần thứ 4.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và khi chưa kịp thời sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan, theo UB Xã hội, việc Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết có nội dung bày tỏ sự đồng hành của Quốc hội cùng cả hệ thống chính trị, Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Điều này cũng nhằm xem xét, quyết định một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ, Thủ tướng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả hơn, kể cả dự phòng các tình huống dịch bệnh có thể phát sinh phức tạp hơn trong thời gian tới là thực sự cần thiết.
Vẫn theo cơ quan thẩm tra, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, việc đưa một số biện pháp để đáp ứng yêu cầu cấp bách về chống dịch vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất là phù hợp và dự thảo này được đọc, biểu quyết thông qua tại Phiên bế mạc thể hiện sự chia sẻ kịp thời đối với nhân dân, cử tri cả nước. Việc này cũng đồng thời chuyển tải thông điệp mạnh mẽ của Quốc hội, cơ quan đại biểu nhân dân về quyết tâm đoàn kết, chiến thắng đại dịch vì tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân là trên hết và trước hết.
Đề cập đến các nội dung đưa vào dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh phân tích, các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19 trong tờ trình của Chính phủ dự kiến đưa vào Nghị quyết có phạm vi tương đối rộng nằm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cần rà soát, thu gọn các nội dung để thể hiện một cách khái quát hơn.
Cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí việc Quốc hội cho phép Chính phủ, Thủ tướng quyết định áp dụng các biện pháp, ban hành chưa được luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Đối với việc áp dụng các biện pháp để ban hành chính sách có các quy định khác với các quy định của luật, Ủy ban đề nghị Quốc hội giao UB Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện và Chính phủ báo cáo lại Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Về việc được sử dụng chỉ thị, nghị quyết và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành để quy định, áp dụng và triển khai các biện pháp phục vụ công tác phòng, chống dịch, UB Xã hội nhận định: "Điều này cũng là cần thiết để xử lý các vấn đề cấp bách mà không có điều kiện ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác thuộc thẩm quyền (nghị định, quyết định) nhằm ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các diễn biến của tình hình dịch bệnh".
Dù vậy, UB Xã hội lưu ý, chỉ nên thực hiện có thời hạn, có thể đến hết năm 2022 và chỉ phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Với đề xuất cơ chế để "mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế", Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp tránh tối đa các tiêu cực, lãng phí có thể xảy ra trong hoạt động này.
Cùng với đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đưa vào Nghị quyết nguyên tắc chính sách đối với các chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ cho nông dân, người lao động khu vực phi chính thức, lao động trong các doanh nghiệp bị ngừng, nghỉ việc, mất việc làm, các nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia.
6 nội dung về biện pháp đặc biệt chống dịch Quốc hội xem xét quyết nghị
- Giao Chính phủ, Thủ tướng chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua, các biện pháp quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp, các luật khác có liên quan và các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật hiện hành như trong trường hợp đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, mua sắm, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất.
- Trường hợp cần thiết phải ban hành, áp dụng các quy định khác với quy định của luật hiện hành thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
- Được sử dụng nghị quyết, chỉ thị, công điện và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành để quy định, áp dụng và triển khai các biện pháp phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
- Ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt cho phòng, chống dịch; thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch; tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt; được mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; Trung ương hỗ trợ địa phương trong trường hợp cần thiết; đồng ý chuyển 1.237 tỷ cho Bộ Y tế để phòng, chống dịch.
- Đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe và đời sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già, người yếu thế khác và lực lượng tuyến đầu chống dịch; có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
- Báo cáo Quốc hội việc triển khai và kết quả thực hiện các biện pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trường hợp có vấn đề phát sinh, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian Quốc hội chưa họp; khẩn trương rà soát các luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, trình Quốc hội.