1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Biển Đông: Sự cứng rắn của Mỹ và sự “khôn ranh” của Trung Quốc

(Dân trí) - Theo nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Khắc Huỳnh, tại Biển Đông, thái độ của Mỹ đang từ từ cứng rắn lên thông qua những biện pháp khác nhau.

Những chuyến thăm Việt Nam của Thượng nghị sỹ John McCain cũng như của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trước và sau Đối thoại Shangri-La 2015 trong bối cảnh hiện nay đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước cũng như dư luận quốc tế. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Huỳnh - nhà ngoại giao kỳ cựu, từng tham gia phái đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, nguyên đại sứ Việt Nam tại nhiều quốc gia.

Biển Đông: Sự cứng rắn của Mỹ và sự “khôn ranh” của Trung Quốc
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Không phải là Mỹ đang làm to chuyện tại Biển Đông mà sự thực là Mỹ có trách nhiệm rất lớn đối với vấn đề tại khu vực này. 

PV: Trong bối cảnh Biển Đông và tình hình quốc tế hiện nay, dưới góc nhìn của một nhà ngoại giao, việc thăm Việt Nam của Thượng nghị sỹ John McCain cùng với tuyên bố sẽ đến Việt Nam ngay sau đối thoại Shangri-La của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho thấy điều gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Muốn thấy được ý nghĩa từ việc làm cụ thể của Mỹ thì phải thấy tổng quát được những điều sau: Mỹ đang cần gì? Mỹ đang lo cái gì? Mỹ đang gỡ vấn đề gì?

Hiện nay, Mỹ đang là nước có uy tín và tiềm lực rất mạnh. Vấn đề quốc tế Mỹ đang quan tâm hiện nay ngoài Ukraine chính là vấn đề tại Biển Đông. Không phải là Mỹ đang làm to chuyện tại Biển Đông mà sự thực là Mỹ có trách nhiệm rất lớn đối với vấn đề tại khu vực này. Vì vậy mà trong các vị Bộ trưởng hoặc lãnh đạo tham gia Đối thoại Shangri-La 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là người phát biểu mạnh mẽ nhất.

Mỹ đang lo vấn đề Biển Đông nhiều nhất. Mỹ coi đó là vấn đề chiến lược. Điều này là nhất quán trong chiến lược nói chung của Mỹ. Mỹ đang củng cố vị trí của mình tại Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Thái Bình Dương. Mỹ không thể để cho Trung Quốc chi phối và nắm lấy thế thượng phong ở Thái Bình Dương. Đó là mục tiêu của Mỹ.

Vì quan tâm đến vấn đề Biển Đông nên Mỹ buộc phải có quan hệ tốt với những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philipines… để đối phó với Trung Quốc. Vừa qua, việc Tổng thống Mỹ để Thủ tướng Nhật Bản phát biểu tại lưỡng viện Quốc hội của Mỹ cho thấy Mỹ đề cao quan hệ với Nhật Bản thế nào. Trong những nước liên quan đến Biển Đông, Việt Nam là một mục tiêu rất lớn của Mỹ. Nước Mỹ tất nhiên có quan hệ đồng minh với Philippines nhưng Việt Nam có tư thế vững vàng và lực lượng mạnh mẽ hơn. Việt Nam biết cách ứng phó với những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông hơn.

Qua việc chúng ta ứng phó với giàn khoan Hải Dương-981 năm ngoái, Mỹ khen Việt Nam. Mỹ khen ở đây không phải là khen hung hăng mà khen chúng ta rất linh hoạt: lúc cứng rắn, lúc mềm dẻo… Việt Nam đối phó với hành động gây hấn của Trung Quốc vừa bằng chính trị vừa bằng ngoại giao và quốc phòng rất khéo. Rất cứng rắn mà không có tiếng súng nào.

Trong tình hình hiện nay, Mỹ cần nắm lại thế thượng phong tại Thái Bình Dương để đảm bảo tự do hàng hải nên Mỹ cần Việt Nam. Việc các ông nghị sỹ hay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang Việt Nam chính là để củng cố và biểu thị sự quan hệ với Việt Nam.

Mỹ đang cần gì ở Việt Nam? Mỹ muốn hai nước gần nhau hơn. Ở nước Mỹ, ai là người mạnh nhất? Đó là người dân Mỹ. Các vị nghị sỹ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ sang Việt Nam là để đáp ứng yêu cầu của người dân Mỹ và làm những gì mà người dân Mỹ tán thành.


Tại phiên thảo luận ở Đối thoại Shangri-La ngày 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Carter cho biết Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải, tự do hàng không: “Mỹ sẽ đến, bằng máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Bởi sau cùng, việc biến mấy đá ngầm thành sân bay không tạo ra chủ quyền và cho phép Trung Quốc ngăn cản tự do hàng hải hay hàng không”. Ông đánh giá khẳng định này từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong bối cảnh quốc tế hiện nay như thế nào?

Phát biểu đó rất đúng đắn. Mỹ và Trung Quốc đang căng với nhau nhưng không công khai. Mỹ không gây sự với Trung Quốc mà dùng đạo lý, lý lẽ và vận động dư luận để lấn tới bằng máy bay và tàu chiến (theo quy định của pháp luật quốc tế cho phép) nhằm đe Trung Quốc. Mỹ không tới những đảo đó để tạo tranh chấp, mà đảm bảo tự do hàng hải trong đó Mỹ và Nhật Bản - một đồng minh thân cận của Mỹ.

Mục đích của Mỹ là để chứng minh rằng những việc làm của Trung Quốc trên Biển Đông không tạo thành chủ quyền cho họ.

Những điều này rất phù hợp với lập trường của Việt Nam. Việt Nam không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với việc Trung Quốc xây dựng phi pháp trên những đảo đá đã chiếm của Việt Nam. Lập trường của ta trong trường hợp này có nhiều điểm phù hợp với Mỹ. Chính vì vậy mà Mỹ mới cần Việt Nam.

Tại Đối thoại Shangri-La 2015, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm chính là thái độ của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều mà các phương tiện truyền thông phản ánh khá nhiều đó là thái độ không quá gay gắt từ trưởng đoàn của Trung Quốc nhưng kèm với đó là những lời tuyên bố của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Là một nhà ngoại giao, ông đánh giá nước cờ ngoại giao này của Trung Quốc như thế nào?

Trung Quốc bao giờ cũng “khôn ranh”. Họ biết tại Shangri-La có những ai phản đối họ. Chính vì vậy họ đã tìm cách tránh đi những căng thẳng trực tiếp từ Đối thoại này. Đó là những thủ đoạn ngoại giao của Trung Quốc nhằm giảm bớt căng thẳng ở nơi không cần thiết phải căng thẳng.

Giữa một bên là phát biểu rất mạnh mẽ như Mỹ và một bên tỏ ra khôn ngoan như Trung Quốc, Việt Nam cần làm gì để vừa bảo vệ được chủ quyền vừa đảm bảo các quyền lợi khác?

Đó là trách nhiệm của những nhà ngoại giao nhưng tóm lại trong 2 chữ: “Khôn khéo”. Chúng ta không công kích quá mạnh Trung Quốc tại nơi mang tính ngoại giao như Đối thoại Shangri-La nhưng Người phát ngôn Bộ Ngoại giao vẫn phải lên tiếng phản đối. Ở những cuộc họp báo quốc tế, lãnh đạo đất nước phải lên tiếng phản đối…

Có một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc có nói rằng biện pháp đưa tàu chiến và máy bay trinh sát đến những nơi Trung Quốc đang xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa chưa phải là biện pháp mạnh nhất mà Mỹ hoàn toàn có thể có những biện pháp mạnh hơn như việc Quốc hội Mỹ ra nghị quyết phản đối Trung Quốc. Ông có nghĩ năm nay Quốc hội Mỹ sẽ ra một nghị quyết như vậy hay có một động thái nào đó mạnh mẽ hơn?

Tôi chưa đoán được cụ thể nhưng tôi cho rằng những hành động hiện nay của Mỹ chưa phải là những động thái mang tính mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng thái độ của Mỹ đang từ từ cứng rắn lên thông qua những biện pháp khác nhau. Họ làm rất có tính toán. Có thể trong thời gian tới, Tổng thống Mỹ sẽ lên tiếng, Quốc hội Mỹ sẽ lên tiếng…

Theo ông, việc Trung Quốc đưa một số vũ khí ra đảo Hải Nam cũng như ra một số đảo mà Trung Quốc đang tiến hành xây dựng tại Trường Sa có thể là nhân tố khiến Mỹ sẽ có những hành động mạnh mẽ sớm hơn trong thời gian tới?

Tôi cho rằng với Mỹ, tất cả những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông hiện nay đều làm cho Mỹ tỏ thái độ cứng rắn hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Chính Quang (thực hiện)