1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Biển Đông: Không “có tật” việc gì phải vội… “giật mình”!

(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh việc Mỹ xem xét đưa tàu chiến, máy bay tới các đảo nhân tạo ở Biển Đông, TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ cho rằng, chúng ta hoàn toàn không “có tật” nên không việc gì phải vội “giật mình”…

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, nếu so sánh với sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển nước ta năm trước thì việc nước này cải tạo các đảo chìm thành các căn cứ quân sự còn nguy hiểm hơn nhiều. Quan điểm của ông như thế nào?

Đây là ý kiến khá chuẩn xác. Việc cải tạo, xây cất trên các bãi cạn, rạn san hô này còn nguy hiểm hơn sự kiện giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trong vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa Việt nam cách đây tròn một năm vì những lý do sau đây:

Trung Quốc muốn tiếp tục hợp thức hóa “chủ quyền” đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà năm 1988 họ đã sử dụng vũ lực để đánh chiếm một số thực thể phía Tây Bắc quần đảo này. Nghiêm trọng hơn là muốn từ những căn cứ này để mở rông việc cưỡng chiếm thêm các thực thể của quần đảo này.

Ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc (Ảnh:
Ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc (Ảnh: Janes)

Quyết tâm biến các bãi cạn, rạn san hô, các bãi đá trở thành các đảo đủ lớn nhằm tạo lợi thế pháp lý trong việc tính đến hiệu lực của chúng khi xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS 1982. Đó chính là âm mưu tìm cách biện minh cho sự tồn tại phi lý của yêu sách “lưỡi bò” của Trung Quốc đang bị dư luận phê phán và lên án mạnh mẽ.

Các bãi cạn đang được cải tạo nâng cấp còn là những căn cứ quân sự tấn công hết sức lợi hại, tạo ra thế trận tấn công cài răng lược, trực tiếp đe dọa, khống chế, ngăn cản và có thể dễ bề tiêu diệt mọi căn cứ, cơ sở quốc phòng, kinh tế, dân sinh… của các lực lượng khác đang có mặt trên quần đảo này, nhất là của người Việt Nam, những chủ nhân thật sự của quần đảo Trường Sa.

Các công trình ở đây còn là những cơ sở khoa học kỹ thuật được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ cho mục đích theo dõi, khống chế, cản trở hoạt động bình thường của tàu thuyền, máy bay đi qua Biển Đông trên các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế rất nhộn nhịp, không thể thiếu được đối với sự tồn tại và phát triển của các nền kinh tế lớn trong khu vực và quốc tế.

Các công trình được xây cất ở đây cũng còn là những khu dịch vụ hậu cần không thể thiếu để Trung Quốc có điều kiện triển khai kế hoạch khai thác, vơ vét nguồn tài nguyên dầu khí, hải sản trong các vùng biển và thềm lục địa được xác lập một cách hợp pháp theo UNCLOS 1982 của các nước chung quanh Biển Đông mà từ lâu họ ấp ủ tham vọng “xí phần”, tranh giành, chiếm đoạt…

Cuối cùng, có thể thấy rõ, thực hiện những mục tiêu nói trên thông qua việc cải tạo, xây dựng trên các thực thể này, Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện chiến lược không chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông, vươn lên vị trí cường quốc biển trước khi trở thành siêu cường quốc tế…

Việc Mỹ xem xét đưa tàu chiến, máy bay tới khu vực Trung Quốc cải tạo trái phép các bãi đá là động thái mới đang khiến dư luận hết sức quan tâm, thưa ông?

Về việc Bộ Quốc phòng Mỹ dự định đệ trình kế hoạch đưa tàu chiến và máy bay vào Biển Đông đang làm dư luận nóng lên hàng ngày, hàng giờ. Rất nhiều phản ứng khác nhau: người thì vui mừng, ủng hộ, kẻ thì lo ngại, hoang mang, người thì tức giận, lên án, kẻ thì bình tĩnh theo dõi… Theo theo dõi của tôi thì đa số dư luận đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ kế hoạch này của Mỹ, cho rằng có như vậy mới có khả năng ngăn cản những bước tiến phiêu lưu nguy hiểm của Trung Quốc. Chúng ta có thể thông cảm, chia sẻ những phản ứng đầy cảm xúc đó của dư luận. Bởi vì, Trung Quốc vẫn tiếp tục, thậm chí còn mạnh mẽ hơn, tiến hành những hoạt động sai trái, xem thường dư luận, phớt lờ những tiếng nói thiện chí và xây dựng của đồng chí, bạn bè… bất chấp mọi thỏa thuận cam kết chính trị trong quan hệ quốc tế, khiến cho hầu hết dư luận bất bình, lên án, cảnh giác.

TS. Trần Công Trục
TS. Trần Công Trục

Tuy nhiên, theo tôi đây là một vấn đề khá nhạy cảm và rất phức tạp trong bối cảnh hiện nay của khu vực và quốc tế, nhất là những gì đang xảy ra trong Biển Đông. Vì thế mọi phản ứng trước bất kỳ một động thái nào đó đều phải thật thận trọng, phải cân nhắc kỹ càng và phải có trách nhiệm trước cộng đồng, vì lợi ích chung của khu vực và quốc tế. Và vì vậy, quan điểm của tôi là nếu kế hoạch này chỉ là “… xem xét làm thế nào để thể hiện rõ tự do hàng hải tại một khu vực quan trọng đối với thương mại thế giới…” và, về phạm vi hoạt động của kế hoạch này là chỉ hoạt động tại khu vực nằm ngoài “khoảng 22 km xung quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc cải tạo” thì có lẽ không có vấn đề gì. Vì có thể thấy mục đích hoạt động được đặt ra của kế hoạch này là nhằm bảo về an ninh an toàn hành hải, hàng không quốc tế trong vùng biển nằm ngoài lãnh hải thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, nơi mà tàu thuyền và máy bay của các quốc gia có quyền tự do hàng hải, tự do bay… theo đúng quy định của UNCLOS 1982. Và với phạm vi hoạt đông nói trên, chứng tỏ Mỹ không thừa nhận quan điểm dùng các bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa để tạo ra hiệu lực trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán theo quy định của UNCLOS 1982, cho dù Trung Quốc hiện đang cố đầu tư cải tạo biến các bãi cạn này thành đảo. 

Theo tôi, quan điểm này của Mỹ là có thể chấp nhận được. Bởi vì, theo quy định của UNCLOS thì các đảo nhân tạo, các công trình thiết bị không có hiệu lực dùng làm cơ sở để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa theo quy định hiện hành, mà chỉ được phép có một vùng an toàn 500m chung quanh chúng. Ngoài phạm vi an toàn này là vùng biển theo quy chế pháp lý riêng được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.

Trung Quốc lập tức ra sức phản ứng những động thái của Mỹ, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc có một đối trọng với Trung Quốc trên Biển Đông lúc này là cần thiết, thưa ông?

Như trên đã nói, nếu nội dung kế hoạch của Mỹ tuân thủ các quy định của Luật Biển hiện hành và vì mục đích đảm bảo cho an ninh an toàn hàng hải quốc tế, vì lợi ích của cộng đồng, ngăn chặn những hành vi vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan trong Biển Đông thì có lẽ không lý gì mà Việt Nam không hoan nghênh, ủng hộ. Còn nếu kế hoạch này vi phạm các quy định như phân tích nói trên và các hoạt động được triển khai của kế hoạch này vì mục đích quân sự, xung đột, tranh giành vị thế gây bất ổn cho hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực, thì Việt Nam, cũng như các quốc gia khác, chắc chắn không thể ủng hộ, trái lại sẽ cực lực phản đối và sẽ có những biện pháp ứng phó thích hợp nhất.

Tục ngữ có câu “có tật giật mình”, chúng ta hoàn toàn không “có tật”, cho nên không việc gì phải vội “giật mình” mà phải bình tĩnh, cảnh giác, chủ động ứng phó, không nên “đổ thêm dầu vào lửa”!

Chúng ta mong rằng mọi hành xử của các bên liên quan phải tuân thủ đúng pháp luật, có trách nhiệm và thiện chí, nói đi đôi với việc làm, chí ít là phải thực hiện đúng những cam kết, những tuyên bố chính trị đã có giữa các quốc gia láng giềng trong khu vực…

Đã có những chuyên gia quốc tế dự đoán rằng, lần này Trung Quốc sẽ không đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam. Quan điểm của ông thì sao?

Theo thông tin thì giàn khoan Hải Dương-981 được xác định là ở vị trí cách đảo Hải Nam khoảng 70 hải lý, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, cách Đảo Đá Bắc, thuộc quần đảo Hoàng Sa Việt Nam mà Trung Quốc đã đánh chiếm bằng vũ lực năm 1974, khoảng 84 hải lý. Vị trí giàn khoan này đang ở trong vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa chồng lấn ở phía ngoài cửa vịnh Bắc Bộ mà giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán để phân định. Vì vậy, ở khu vực này chưa có đường phân định cuối cùng đáp ứng với nguyên tắc công bằng theo UNCLOS 1982. Nếu cho rằng vị trí giàn khoan này nằm ngoài vùng biển Việt Nam nếu tính theo một đường trung tuyến giả định nào đó thì có lẽ chưa chuẩn xác lắm. Đây là nội dung cần được trao đổi kỹ hơn trên phương diện pháp lý, kỹ thuật…

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường (thực hiện)