Biến chai nhựa thành vườn, vợ chồng khiến căn nhà mát mẻ hơn 5 độ C
(Dân trí) - Cặp vợ chồng biến hàng ngàn chai nhựa bỏ đi thành vật dụng trồng cây, tạo vườn thẳng đứng giúp căn nhà mát mẻ hơn.
Anh Rohit Mehra và vợ là Geetanjali Mehra (sống ở Ấn Độ) khiến khu vườn nhà trở thành hình mẫu về bảo vệ môi trường nhờ biến 3.500 chai nhựa lẽ ra bị bỏ đi thành chậu trồng cây, tạo thành khu vườn thẳng đứng.
Hai vợ chồng đã gắn những chiếc chai trên tường rồi phủ xanh với các cây trồng khác nhau. Ý tưởng của Rohit và vợ đã được nhiều người làm theo.
Nói về lý do nảy ra ý tưởng này, Rohit nhớ lại khoảnh khắc đứa con của anh thông báo nhà trường sẽ cho nghỉ học nếu ô nhiễm không khí tăng cao.
Điều này làm cho anh nghĩ đến lượng rác thải nhựa ở các thành phố. Thậm chí, người đàn ông này lo lắng rằng tình hình tồi tệ đến mức không thể hít thở bầu không khí trong lành. Anh Rohit quyết định làm điều gì đó để khắc phục vấn đề này.
"Ở các đô thị, thiếu không gian cần thiết để làm vườn. Việc sử dụng chai nhựa phế thải để trồng cây là thân thiện với môi trường, nếu không chúng sẽ được đưa đến bãi rác", người đàn ông này chia sẻ.
Theo anh Rohit, một khu vườn thẳng đứng không chỉ bảo vệ khỏi điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà còn giúp hạ nhiệt độ của căn nhà xuống gần 5 độ C, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng.
Ngoài ra, người đàn ông này còn tạo ra khu vườn hữu cơ trong nhà bếp để trồng rau và các cây nhỏ.
Điểm nổi bật là tận dụng thùng nhựa làm chậu trồng và ủ phân bón, thậm chí những khúc gỗ lớn cũng được khoét rỗng để làm nơi trồng cây. Để có nguồn phân bón tự nhiên, không dùng phân hóa học, 2 vợ chồng quyết định ủ phân trùn quế.
Từ làm vườn thẳng đứng bằng các chai nhựa tại nhà, người đàn ông này còn tiến hành một dự án sử dụng ít nhất 70 tấn chai nhựa phế thải làm chậu trồng cây rồi thiết lập hơn 500 vườn thẳng đứng tại các địa điểm công cộng.
Theo Rohit, sau khi thiết lập các vườn thẳng đứng đã phối hợp với Đại học Nông nghiệp Punjab Ấn Độ để kiểm tra chỉ số chất lượng không khí. Kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm giảm 75%.