Bịch rác và cuộc hỗn chiến
Ba bị cáo đang đứng trước hội đồng xét xử và người bị hại vốn từng là những hàng xóm của nhau. Hầu như mỗi ngày họ đều có thể gặp, hoặc chí ít cũng nhìn thấy nhau qua lại. Thế mà hôm nay, họ lại đang đối đầu trong một không khí hận thù, căng thẳng.
Phạm Văn Bình - người đã bị các bị cáo (Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Phi, Nguyễn Phi Khanh) đánh trọng thương đến vỡ cả gan, thương tật 35% vĩnh viễn - luôn có những lời lẽ gay gắt, nặng nề để buộc tội các thủ phạm đã gây thương tích cho mình. Thế nhưng nguyên nhân dẫn đến việc bốn người đàn ông này lao vào nhau để hậu quả người phải nhập viện, kẻ phải hầu tòa lại khiến những người dự khán lắc đầu: chỉ vì một bịch rác!
Rác đổ nhà người...
Nhà ông Bình bên này đường, đối diện bên kia đường là nhà của bà Hường (là chị của ba bị cáo). Đang ở trong nhà thì thấy bà Hường từ bên kia đường đem bịch rác sang ngay cạnh nhà mình đổ, ông Bình và vợ liền lên tiếng. Cả hai bên lời qua tiếng lại. Lời lẽ giữa họ nặng nề, căng thẳng dần lên, tỉ lệ thuận với nỗi tức giận càng tăng: từ gay gắt, lớn tiếng rồi chửi rủa...
Đứa cháu trai của ông Bình (tên Nguyễn Thành Dương, đã bỏ trốn) sau một hồi chứng kiến vụ cãi vã liền vồ lấy ấm nước đang sôi sùng sục trên bếp định đem ra “tưới” vào những người phía bên bà Hường “cho bõ ghét” nhưng ông Bình kịp ngăn lại. Dương tiếp tục chạy ra chửi bới, ném đá vào nhà hàng xóm làm vỡ một số đồ đạc, nhiều người khác phía bên bà Hường nhảy vào.
Một cuộc hỗn chiến đã xảy ra giữa hai nhà. Phía ông Bình có ba người, phía bà Hường đông hơn, áp đảo hơn vì ngoài những em trai của bà là ba bị cáo Hùng, Phi, Khanh còn có một số người thân của bà Hường cũng sống cạnh đó cùng tham gia.
Tại phiên tòa, ông Bình tuôn ra lời lẽ nặng nề hướng về những người phía bên kia. Với ông, chuyện bịch rác chỉ là cái cớ mà phía gia đình bà Hường làm để kiếm chuyện chọc tức gia đình ông. Ông tức giận với cả hội đồng xét xử khi bản cáo trạng chỉ truy tố một mình Hùng vào tội “cố ý gây thương tích” cho ông, còn hai người em là Phi, Khanh chỉ là tội gây rối trật tự công cộng. Phải mất khá nhiều thời gian giảng giải phân tích, vị chủ tọa mới lấy lại được không khí trang nghiêm của phiên tòa.
Phút nóng giận đánh đổi bản án tù
Nghe vị kiểm sát viên công bố cáo trạng truy tố, bị cáo Hùng thoáng rùng mình. Rồi như không thể nén được lòng, Hùng òa lên bật khóc khi được hội đồng xét xử và luật sư thẩm vấn. Điều làm bị cáo đau đớn nhất không chỉ là mức án đề nghị của VKS dành cho mình, mà chính là kết luận hành động của bị cáo “mang tính chất côn đồ”.
Bào chữa cho Hùng hôm đó, vị luật sư bức xúc: “Bị cáo không thể là người có tính côn đồ khi đã nhờ người gọi cảnh sát 113 và công an phường xuống giải quyết sự việc, một người biết trông chờ vào chính quyền như thế liệu có thể cho là côn đồ không?”. Hùng vừa đi làm về tới nhà (từ khi ra khỏi lực lượng thanh niên xung phong bị cáo làm thợ hồ để kiếm tiền nuôi vợ con), thấy cuộc ẩu đả liền kêu to nhờ mọi người gọi công an. Rồi vẫn thấy các bên xông vào nhau, Hùng tông thẳng chiếc xe Cub 81 đang đi vào người ông Bình để bênh các em. Cú té ngã của ông Bình khiến vợ con ông phải vội vàng đưa đi cấp cứu, đồng thời cũng chấm dứt cuộc hỗn chiến giữa những người hàng xóm.
Hoảng sợ, ân hận nên sau khi gây ra thương tích cho ông Bình, bị cáo Hùng đã đến tận nhà để chia sẻ, bồi thường tiền thuốc thang nhưng phía bị hại từ chối, gửi đơn đề nghị khởi tố những người gây thương tích cho mình. Phiên tòa sơ thẩm kết thúc, bản án 3 năm tù được tòa áp dụng đối với bị cáo Hùng vì là người trực tiếp gây thương tích cho bị hại. Phi, Khanh được hưởng án treo.
Tòa tuyên án xong đã lâu nhưng bị cáo Hùng vẫn thẫn thờ đi lại dưới sân tòa. Gặp mấy người dự tòa, ông nói: “Tôi còn tới ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, rất cần sự nuôi nấng của người cha. Vợ tôi bán bánh ướt ở cửa trường học, nay tôi bị án tù làm sao mình bả nuôi con đây”. Bị cáo Hùng nói ông rất ân hận vì chuyện đã xảy ra. Phải chi lúc đó ông bình tĩnh hơn để can ngăn chứ không phải nhảy vào để bênh em mình. Lương tâm ông chẳng được an lành sau chuyện gây trọng thương cho ông Bình. Bây giờ hàng xóm láng giềng đối diện nhau mà như kẻ thù, không bao giờ nhìn vào nhau.
Ba người hàng xóm đã phải lãnh án, phải bồi thường hơn 50 triệu đồng. Nhưng ông Bình cho biết sẽ cương quyết kháng cáo tới cùng để “đòi lại công bằng”, không chỉ ba bị cáo này phải bị xử nghiêm hơn mà cả bà Hường và một số người khác cũng phải bị truy tố, xét xử. Họ sẽ còn tiếp tục đối đầu nhau trong phiên tòa phúc thẩm. Căng thẳng vẫn chưa dừng lại...
Dự phiên tòa của những người hàng xóm này, chợt nghĩ tới câu nói của ông bà ngày xưa “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, hay “hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau” mà thấy xót xa! Vẫn biết chuyện xích mích giữa hàng xóm không phải hiếm hoi với muôn ngàn nguyên nhân nhỏ nhặt. Nhất là giữa đô thị mà các hộ phải sống san sát nhau, có khi nhà nọ cách nhà kia con hẻm chật chội chỉ hơn 1m thì chuyện đụng chạm trong sinh hoạt hằng ngày là không tránh khỏi.
Chỉ mong sao, như lời của hội đồng xét xử phiên tòa này: những người hàng xóm hãy nghĩ tới cái tình cái nghĩa với nhau, đừng để ân hận chỉ vì nóng giận đã gây tổn thương nhau, hàng xóm mà không thể nhìn mặt nhau dù gặp hằng ngày. Càng không nên để phải trả giá bằng những bản án tù vì những xích mích nhỏ nhặt...
Theo Chi Mai
Tuổi Trẻ