Bí thư TPHCM: Không thể quản lý thành phố lớn bằng kinh nghiệm
(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc quản lý thành phố lớn phải thấy trước vấn đề khó khăn của thành phố và ngăn chặn không để xảy ra, tránh ách tắc, đảm bảo phát triển bền vững.
Ngày 25/10, tại Hội nghị quốc tế về thành phố thông minh 2017 (Smart City 2017), ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, cho biết theo công bố tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào đầu năm 2017 tại Thụy Sĩ, TPHCM được xếp hạng là thành phố năng động hàng đầu thế giới.
Bí thư TPHCM cũng thông tin thêm, Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị đã định hướng: “Xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á”.
Tuy nhiên, theo Bí thư Nhân, đến nay tốc độ phát triển đô thị của TPHCM vẫn còn chậm và khoảng cách “hiện đại hóa đô thị” so với các thành phố lớn trong khu vực vẫn còn khiêm tốn. Việc triển khai xây dựng đô thị thông minh đóng vai trò là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để hỗ trợ thúc đẩy thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách với các thành phố khác trong khu vực.
Trong những năm gần đây, cộng hưởng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, số lượng các thành phố triển khai xây dựng đô thị thông minh ngày càng tăng. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, sự phát triển của TPHCM không thể nằm ngoài xu hướng tiếp cận này.
“Với khát vọng của một thành phố năng động, TPHCM luôn kỳ vọng sẽ đạt được những bước phát triển đột phá để vươn lên sánh ngang tầm với các thành phố lớn của các quốc gia trong khu vực. Để thực hiện mục tiêu đó, thành phố đã và đang tổ chức xây dựng đề án xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh”, Bí thư Nhân nhấn mạnh.
Đề án này hướng đến 4 mục tiêu là đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế và hướng đến kinh tế tri thức; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; quản trị đô thị hiệu quả; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân-phát huy trí tuệ nhân dân.
Thành phố thông minh được xây dựng trên bốn nguyên tắc gồm: Tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; luôn thấu hiểu người dân; công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển; huy động mọi nguồn lực tham gia.
Theo người đứng đầu Đảng bộ TPHCM, muốn thực hiện được đô thị thông minh phải ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển đô thị một cách hiệu quả hơn, như dân số đô thị tăng; hạ tầng lạc hậu, quá tải; đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng,...
“Đặc biệt, việc quản lý thành phố lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo, phải thấy trước vấn đề khó khăn của thành phố và ngăn chặn không để xảy ra, tránh ách tắc, đảm bảo phát triển bền vững”, Bí thư Nhân nói.
Do đó, TPHCM sẽ tập trung thực hiện chiến lược “2 cánh” trong quá trình xây dựng đô thị thông minh: quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững; quản lý ngành thông minh - công dân thông minh - doanh nghiệp thông minh.
Quốc Anh