Bí thư Quảng Ninh: Chọn bằng được người tài chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận

An Nhiên

(Dân trí) - Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIV, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng, phải chọn bằng được người tài để kịp thời chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.

Nhiều câu hỏi về vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được đặt ra tại phiên chất vấn (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh).

Tại phiên chất vấn của kỳ họp HĐND Quảng Ninh chiều 8/12, vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được đặc biệt quan tâm. 

Đại biểu Đào Biên Thùy (Tổ đại biểu huyện Đầm Hà) đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh cho biết các giải pháp để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo của tỉnh; góp phần thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số và người công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đã được đề ra.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Quyết Tiến cho rằng, Quảng Ninh có nhiều chính sách chăm lo cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo của tỉnh. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương này cũng rất chăm lo cho đội ngũ này.

Cụ thể, qua rà soát, đội ngũ cán bộ công chức viên chức cấp xã chiếm 12,6% toàn tỉnh, trong đó khoảng 3.629/28.916 người, chiếm 12.6%. Đặc biệt là tại 3 địa phương: Bình Liêu (83,69%), Ba Chẽ (55,81%), Tiên Yên(36,85%).

Về giải pháp, tiếp tục quan tâm chăm lo đội ngũ cán bộ này, ông Tiến cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đào tạo, tuyển dụng để làm sao mang lại hiệu quả, nhất là quan tâm đến đội ngũ cán bộ trẻ để có đội ngũ cán bộ kế cận lâu dài.

Trả lời nội dung của đại biểu Nguyễn Chiến Thắng, Tổ đại biểu thị xã Đông Triều, về vấn đề thu hút tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao cũng như các giải pháp đào tạo, xây dựng nguồn cán bộ kề cận giai đoạn tới, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, giai đoạn 2015-2020, số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao được tuyển hạn chế; về viên chức toàn tỉnh là 7.106 người, trong đó, có 225 viên chức chất lượng cao.

Cụ thể, năm 2015 tỉnh có 430 cán bộ trẻ dưới 30 tuổi thì năm 2021, số cán bộ trẻ dưới 30 tuổi chỉ còn 127 người. Đây là con số hết sức đáng lo nghĩ đối với nguồn nhân lực kế cận trong tương lai. Do vậy, để đảm bảo mục tiêu có đội ngũ cán bộ cho thời gian tới, hiện nay, Sở Nội vụ cũng đang tham mưu xây dựng Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh, phấn đấu sẽ sớm thông qua Đề án này trong năm 2022 để làm cơ sở triển khai.

Cũng theo ông Tiến, trong đề án này, tỉnh cũng xây dựng nhiều giải pháp, trong đó, có một số nhiệm vụ trọng tâm đó là: Chủ động tìm kiếm, phát hiện tạo nguồn nhân lực cao ngay tại cơ sở, không khép kín, kể cả các thành phần kinh tế khác để bổ sung sớm nguồn nhân lực cho tương lai.

Bí thư Quảng Ninh: Chọn bằng được người tài chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận - 2

Giám đốc Sở Nội vụ trả lời chất vấn (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh).

Cùng với đó là xây dựng chính sách thu hút nhân lực trẻ chất lượng cao ở từng ngành, lĩnh vực mũi nhọn; thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái để bồi dưỡng, sàng lọc những nhân tố ưu tú. Đồng thời, áp dụng công nghệ mới vào điều hành, xây dựng quỹ biên chế dự phòng, dành tỷ lệ thỏa đáng tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới đào tạo bồi dưỡng, quan tâm đến công tác quy hoạch cán bộ. 

Tại phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký cũng nhấn mạnh, vấn đề biên chế, nguồn nhân lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng của tỉnh Quảng Ninh.

Nhìn nhận, đánh giá trong 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị gắn với sắp xếp đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; tinh giản, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức và hiệu quả sử dụng cán bộ công chức viên chức để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Với ý nghĩa đó, liên tục trong 10 năm gần đây, Quảng Ninh có nhiều đột phá về hạ tầng, cải cách hành chính, KT-XH, an ninh, quốc phòng, nhất là 2 năm qua, thách thức lớn như thế nhưng tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực thể hiện rõ qua tăng trưởng thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế, niềm tin của nhân dân, các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, chỉ số hài lòng của doanh nghiệp... Điều này có được là do có sự chuẩn bị tốt về nhân lực, con người, thể chế, nhất là sự thành công ở Đề án 25. 

Tuy nhiên hiện nay đứng trước xu hướng phát triển mới, quy mô kinh tế tăng gấp đôi, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương ngày càng đổi mới đòi hỏi chính quyền phục vụ phải cao hơn, khối lượng công việc lớn, hoạt động công vụ, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cũng theo đó ngày càng phải được nâng lên. Cùng với đó là quy mô dân số tăng kéo theo nhu cầu về giường bệnh, chăm sóc sức khỏe, học hành, phát triển KKT, dịch vụ… đó là những thách thức, yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng phải được quan tâm hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, chọn cho bằng được người tài để kịp thời chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu công việc cho giai đoạn tới (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Thách thức đó cũng đòi hỏi tỉnh phải tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Để làm được điều này, trước hết phải thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết 19 của tỉnh về biên chế, cán bộ. Phát huy tính tích cực chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan đơn vị, kinh nghiệm có được trong 10 năm qua để xây dựng lộ trình mới về biên chế, cán bộ, nguồn nhân lực.

Trên cơ sở chiến lược phát triển KT-XH, chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đặc thù của ngành, nghề, lĩnh vực, vùng, miền để tính toán hài hòa, phù hợp, tinh thần không cào bằng tinh giản biên chế. Cùng với đó, là ưu tiên nhân lực cho miền núi, biên giới, hải đảo để người dân có thể tiếp cận chất lượng dịch vụ cao hơn, nhất là y tế, giáo dục, để tất cả người dân đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

Đồng thời, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, trên cơ sở nơi nào người dân sẵn sàng chi trả dịch vụ công thì phải khuyến khích. Cùng với đó là phải có các cơ chế chính sách thu hút người tài vào làm việc tại các đơn vị dịch vụ công.

Bí thư Tỉnh ủy cũng "bật mí", sắp tới, tỉnh sẽ triển khai 2 đề án liên quan đến nguồn nhân lực, đó là Đề án giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách và Đề án đào tạo phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trẻ, dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, khoa học chuyên sâu.

Trong đó, với đề án thứ 2, tỉnh sẽ nêu cao phương châm là thực hiện sòng phẳng, công bằng, chọn cho bằng được người tài để kịp thời chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu công việc cho giai đoạn tới.

Bí thư Quảng Ninh: Chọn bằng được người tài chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận - 4

Sinh viên Trường Đại học Hạ Long học tiếng Anh với giảng viên người nước ngoài (Ảnh: Lan Anh).

Tại phiên chất vấn, có 9 đại biểu đăng ký chất vấn với 10 vấn đề, liên quan đến 6 sở, ngành của tỉnh. Trong đó, sẽ tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính gồm: Tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế; quản lý, sử dụng tài sản công; phòng, chống Covid-19 theo Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.