Bí thư Nguyễn Văn Nên: Vì sao kinh tế Đảng có một số sai phạm đáng tiếc?
(Dân trí) - Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM, Bí thư Nguyễn Văn Nên đặt câu hỏi, điều gì đã xảy ra với một số sai phạm đáng tiếc, nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế Đảng trên địa bàn thời gian qua?
Sáng 27/4, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 13. Lần triệu tập này, các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của thành phố sẽ tập trung thảo luận các vấn đề liên quan tới tình hình kinh tế - xã hội trong 4 tháng đầu năm 2022; đề án tổ chức sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế Đảng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030 và công tác cán bộ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM nhấn mạnh, hoạt động kinh tế Đảng thời gian qua đã góp phần quan trọng, hỗ trợ địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, trong thực tiễn, hoạt động này đã bộc lộ những bất cập cần đánh giá lại.
Khắc phục hạn chế về kinh tế Đảng
"Tôi muốn nói nhiều về lĩnh vực này do chúng ta đã trải qua chặng đường dài, bỏ nhiều công sức để phát huy, đầu tư, kiểm soát. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi vẫn chưa làm tốt, chưa như mong muốn", ông Nguyễn Văn Nên phân tích.
Bí thư Thành ủy TPHCM đặt câu hỏi, tại sao thành phố đã có cơ chế quản lý năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh hoạt động đầu tư vốn nhưng một số lĩnh vực thuộc kinh tế Đảng biểu hiện đi xuống? Ngoài ra, một số doanh nghiệp hoạt động kinh tế Đảng đã xuất hiện những hạn chế.
"Như vậy, việc thực hiện quản lý, khai thác và cho thuê đất có mục đích sản xuất, kinh doanh còn phù hợp với pháp luật mới? Và điều gì đã xảy ra với một số sai phạm đáng tiếc, thậm chí nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế Đảng? Chúng ta cần khắc phục thế nào?", người đứng đầu Đảng bộ thành phố gợi mở vấn đề cần thảo luận.
Từ những thực tế trên, các đại biểu tham dự cần thống nhất định hướng và nhận định, đánh giá để chuyển đổi mô hình, đưa ra giải pháp phù hợp. Những sự chuyển đổi cần phù hợp khả năng quản lý để đem lại hiệu quả, khắc phục, hạn chế tới mức tối thiểu rủi ro gặp phải.
Bí thư Thành ủy TPHCM thông tin thêm, trước tình hình trên, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết 14 năm 2018 về tăng cường sự lãnh đạo với hoạt động kinh tế Đảng. Ban Thường vụ Thành ủy cũng xây dựng dự thảo đề án sắp xếp lại cơ cấu kinh tế Đảng.
Các đại biểu cần tập trung cho ý kiến về phương án của dự thảo đề án là cơ cấu theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tập trung phát triển kinh tế Đảng trong các lĩnh vực tạo nguồn thu ổn định, rủi ro thấp để bảo toàn, phát triển vốn, không đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản trừ hoạt động cho thuê nhà đất… có phù hợp hay không.
"Quan điểm này có thể xuất hiện một số điểm không phù hợp với chỉ đạo của Nghị quyết 14 trước đó. Cụ thể, Nghị quyết 14 định hướng tiếp tục phát triển các ngành nghề, lĩnh vực có triển vọng phát triển, hiệu quả cao", ông Nguyễn Văn Nên phân tích.
Giải pháp được thành phố đưa ra là đã thành lập Tổng Công ty Quản lý vốn do Thành ủy TPHCM sỡ hữu 100% vốn điều lệ. Điểm cần làm rõ là phương án cơ cấu lại vốn, lĩnh vực đầu tư trong thời gian tới.
"Bình thường mới" dần chuyển thành "bình thường"
Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, địa phương này có cơ sở để mừng đối với các số liệu, báo cáo thống kê về tình hình tháng 4 và 4 tháng đầu năm. Nhiều điểm sáng, mặt tích cực đã đến với địa phương này sau một năm gồng mình chống dịch Covid-19.
"Khởi đầu năm 2022, chúng ta có phần lo lắng đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển của năm. Nhưng đến giờ, sau tháng 4, niềm tin của thành phố đã tăng lên khá cao. Nếu không có bất trắc xảy ra, thành phố sẽ đạt được kế hoạch, mục tiêu phát triển", Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định.
Nhận định chung về tình hình hiện tại, lãnh đạo Thành ủy TPHCM nhìn nhận, "trạng thái bình thường mới đã dần trở lại bình thường". Điều đó minh chứng qua việc, địa phương đã tổ chức các hoạt động Tết Nguyên đán đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, nhiều hoạt động văn hóa, văn học - nghệ thuật được khôi phục, tạo sức lan tỏa lớn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trải qua đại dịch chưa từng có, các cấp ủy, chính quyền thành phố cũng từng bước sắp xếp, củng cố, tạo chuyển biến về tinh thần, trách nhiệm, nhận thức, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Sau một năm đầy khó khăn, TPHCM đã chạy tốt cho năm 2022, niềm tin từ người dân, doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được khôi phục.
Tuy nhiên, Thành ủy TPHCM cũng nhận định, trước mắt, địa phương còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Do đó, các Thành ủy viên, cán bộ chủ chốt, cần thảo luận, cho ý kiến về nhận định, dự báo tình hình và nhìn trước khó khăn, thách thức của nền kinh tế.
Ngoài ra, cũng cần thêm nhiều ý kiến góp ý trong việc lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung thành phố. Từ đó TPHCM sẽ tìm hướng quản lý, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh về đất đai, quản trị.