(Dân trí) - "Chúng ta đã đặt ra các mục tiêu để hoàn thành, nỗ lực, chiến đấu hết mình. Việc điều chỉnh, sửa tới sửa lui các mục tiêu chỉ để hoàn thành là không cần thiết", Bí thư Thành ủy TPHCM nói.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nói về quyết tâm "nỗ lực bằng 200% sức lực"
Bước qua năm 2021 không mấy suôn sẻ vì ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19, TPHCM đã quyết tâm đề ra những mục tiêu nhiều phần thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chiến đấu với 200% sức lực.
Trải qua năm 2021 với đợt bùng phát dịch Covid-19 trong tình trạng "vô tiền khoáng hậu", tàn phá nặng nề nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội, TPHCM lần đầu tiên trong lịch sử có mức tăng trưởng kinh tế âm 6,78%. Con số này bỏ xa mục tiêu tăng trưởng dương 6% của thành phố trong năm nay.
Bỏ lại những kết quả, chỉ số đáng buồn trong năm cũ, đô thị sôi động bậc nhất cả nước chuẩn bị bước sang năm 2022 với những khát khao, ý chí mới về việc tìm xung lực mới cho nền kinh tế, đạt mức tăng trưởng kinh tế tương xứng với vị thế đầu tàu. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6-6,5% đã thể hiện rõ quyết tâm, ý chí đó.
"Việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6% đến 6,5% trong năm 2022 là điều khó. Tuy nhiên, thành phố sẽ tiếp tục phấn đấu để đạt mức cao nhất. Thành phố không cần điều chỉnh các mục tiêu để hoàn thành, mục đích là phải chiến đấu hết sức, bằng 200% sức lực", ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, thẳng thắn chia sẻ với phóng viên khi được đặt câu hỏi về tính khả thi của các mục tiêu đề ra.
Covid-19 làm mọi dự tính đảo chiều
Khởi đầu năm 2021, TPHCM đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng vào một giai đoạn phát triển mới. Cùng các địa phương trên cả nước, đây là năm đầu tiên TPHCM thực hiện triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần đầu tiên thứ XI.
Đặc biệt, thành phố lần đầu tiên triển khai chính thức Đề án mô hình chính quyền đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM. Nhưng, đại dịch Covid-19 diễn ra khiến mọi dự tính khác xa ban đầu, làn sóng dịch thứ 4 cùng biến chủng Delta khiến mọi hoạt động của trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất cả nước bị đình trệ.
Trong Quý I năm 2021, khi dịch Covid-19 chưa có những tác động lớn, kinh tế - xã hội của TPHCM phát triển khá đồng đều, ổn định. Tuy nhiên, sau 6 tháng, những chỉ số phát triển kinh tế đã chững lại và tụt giảm nghiêm trọng trong quãng thời gian cuối năm.
Theo các số liệu được tính toán và thống kê, năm 2021 là năm đầu tiên trong lịch sử kể từ sau giai đoạn đổi mới, TPHCM có thể đạt mức tăng trưởng âm 6,78%. Đối với 29 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đề ra, thành phố dự kiến có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14 chỉ tiêu và 2 chỉ tiêu đến cuối năm mới đủ cơ sở tính toán.
Tuy nhiên, bên cạnh các khó khăn, một số điểm sáng vẫn xuất hiện sau quãng thời gian thành phố gồng mình chống dịch. Kim ngạch xuất khẩu năm của thành phố tăng 2,8%, kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9%. Đáng chú ý, tổng thu ngân sách Nhà nước có thể phấn đấu đạt 100% vào cuối năm nay.
"Đại dịch Covid-19 đã gây tác hại rất nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội thành phố, đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận người lao động. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận khách quan là vẫn còn nhiều điểm sáng để nghiên cứu, tìm nguyên nhân, bài học thành công trong gian khó", Bí thư Thành ủy TPHCM nhận định về năm 2021.
Vì sao TPHCM đặt mục tiêu cao cho năm 2022?
Trải qua một năm đầy thử thách với nền kinh tế bị tổn thương nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, TPHCM đã lựa chọn chủ đề năm 2022 là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp".
Với việc kế thừa một phần chủ đề năm 2021, TPHCM đưa tới thông điệp phấn đấu hoàn thành bằng được những mục tiêu của năm cũ, đồng thời vạch ra những định hướng, chiến lược phù hợp hơn khi dịch Covid-19 vẫn còn rất khó lường.
"Toàn hệ thống chính trị sẽ tập trung nỗ lực cao nhất, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩn trên địa bàn (GRPD) từ 6% đến 6,5%. Đây là mục tiêu phấn đấu có cơ sở và niềm tin từ sự đồng tâm, hiệp lực rất mạnh, sự khát khao hồi phục và phát triển rất lớn", Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Trong năm 2021, TPHCM đã đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 6%, tuy nhiên, kết quả đạt được đã trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng khi lần đầu tiên trong lịch sử, mức tăng trưởng trên địa bàn âm 6,78%. Việc đặt kỳ vọng tăng trưởng cao cho năm 2022 cao hơn hoặc tối thiểu bằng năm 2021 thể hiện vai trò chính trị của TPHCM đối với sự phát triển chung của đất nước, tuy nhiên, cũng là thách thức không nhỏ đối với địa phương vừa là điểm nóng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.
"Thành phố không đưa ra các mục tiêu chỉ để hoàn thành cũng không hạ thấp các chỉ tiêu" là thông điệp Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ với phóng viên ngay sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phát triển năm 2021. Ông Nguyễn Văn Nên khẳng định, các mục tiêu đã đề ra, phần việc còn lại là khởi động lại, phấn đấu bằng 200% sức lực để đạt kết quả tốt nhất.
"Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục xấu đi, chúng ta có thể sẽ không hoàn thành những mục tiêu ấy. Nhưng với sức bật, khí thế, khát khao, ý chí này và tình hình dịch bệnh sớm ổn định, chắc chắn thành phố sẽ đạt được và phát triển mạnh mẽ hơn" - người đứng đầu Đảng bộ thành phố bày tỏ sự tin tưởng.
Quyết tâm 200% cho năm 2022
Nhấn mạnh với phóng viên Dân trí, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, sau năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đảng bộ thành phố khóa XI, việc thay đổi, điều chỉnh các mục tiêu là chưa cần thiết. Thành phố sẽ chiến đấu bằng 200% sức lực để hướng tới các chỉ số đã đề ra.
Trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022, thành phố vẫn dành sự ưu tiên lớn cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19. Nhưng trong giai đoạn mới, việc kiểm soát dịch bệnh cần đi liền với các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Đối với việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, TPHCM lựa chọn các giải pháp mang tính trọng tâm, trọng điểm, vững chắc và an toàn. Cụ thể, thành phố sẽ sớm hoàn thành phê duyệt, tổ chức triển khai các đề án, chương trình đột phá, trọng điểm đã bị chậm do đại dịch.
Một trong những xung lực để TPHCM phục hồi, phát triển mạnh mẽ sau quãng thời gian chịu tác động nặng nề của đại dịch là thành phố Thủ Đức. Sau một năm chính thức thành lập, thành phố trực thuộc TPHCM vẫn chưa thể hiện và đáp ứng những kỳ vọng của người dân và chính quyền do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Năm 2022, TPHCM đã đặt ra những nhiệm vụ cụ thể nhằm tận dụng thế mạnh của đơn vị hành chính mới này. Trong đó, TPHCM sẽ tiếp tục tận dụng và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM để đề xuất các cơ chế, tháo gỡ vướng mắc còn tồn tại.
Trong đó, địa phương này sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án phân cấp, phân quyền và đề án cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức. Đặc biệt, trong năm 2022, TPHCM cũng sẽ xây dựng, triển khai đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM.
Một phần việc nữa mà Bí thư Thành ủy TPHCM quán triệt các cấp, các ngành cần làm ngay là tập trung cho Đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Ông Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, đây là cơ hội lớn mà TPHCM cần tận dụng hiệu quả tối đa.
Qua các thông điệp mà Bí thư Thành ủy TPHCM gửi gắm, địa phương này đã bước qua một năm 2021 không mấy suôn sẻ vì ảnh hưởng chung của đại dịch, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã quyết tâm đề ra và phấn đấu những mục tiêu nhiều phần thách thức trước khi tiến vào năm mới. Tuy nhiên, với nội lực vốn có của vị thế đầu tàu kinh tế, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống, TPHCM thể hiện khát khao, ý chí và những sự thay đổi để tạo sức bật cho cả giai đoạn tiếp theo.
"Còn quá sớm để điều chỉnh các mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ thành phố. Chúng ta đã đặt ra các mục tiêu để hoàn thành, nỗ lực, chiến đấu hết mình 200%. Việc hoàn thành ở mức độ nào là vấn đề khác, việc điều chỉnh, sửa tới sửa lui các mục tiêu chỉ để hoàn thành là không cần thiết", Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ quan điểm.