1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bí thư lo ngại Luật Thủ đô bị lạm dụng

(Dân trí) - “Thủ đô rất cần có những quy định, cơ chế đặc thù. Nhưng nếu không cẩn thận rất dễ bị lạm dụng, dẫn đến tình trạng làm trái luật, trái hiến pháp, Thủ đô thành vương quốc riêng”.

Bí thư lo ngại Luật Thủ đô bị lạm dụng - 1
Bí thư Thành ủy đề nghị trong Luật Thủ đô phải có quy định các biện pháp giám sát quá trình đưa luật vào thực tiễn
 
Đó là lo ngại của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong buổi làm việc với Bộ Tư pháp về Dự thảo Luật Thủ đô trước khi trình Quốc hội. Bí thư đề nghị trong Luật Thủ đô phải có quy định các biện pháp giám sát quá trình đưa luật vào thực tiễn.
 
Hạn chế nhập cư là có trách nhiệm với xã hội
 
Để hạn chế tình trạng nhập cư ồ ạt, tự phát vào TP Hà Nội phá vỡ quy mô, mật độ, cơ cấu dân cư theo quy hoạch của Thủ đô, dự thảo Luật Thủ đô đưa ra những quy định về điều kiện cư trú ở nội thành.
 
Bộ trưởng Tư pháp, Trưởng ban soạn thảo Luật Thủ đô Hà Hùng Cường cho biết, quy định này giúp giảm sức ép gia tăng về tốc độ nhập cư vào khu vực nội thành, đồng thời đảm bảo cho người dân có điều kiện sinh sống hợp pháp tại Thủ đô.
 
Đánh giá vấn đề này, Bí thư Phạm Quang Nghị cho biết, hiện nay, dòng người dịch chuyển vào các khu đô thị lớn rất đông, nhất là Thủ đô. Dân số Hà Nội cần phải có sự cân đối nhất định, tương xứng với các về vấn đề việc làm, nhà ở, trường học, y tế... mà Thủ đô có thể đáp ứng. Muốn làm được như vậy cần phải có biện pháp điều tiết dân số, mật độ dân cư ở một giới hạn nhất định.
 
“Đây là trách nhiệm của xã hội đối với nhân dân chứ không phải chúng ta đưa ra cơ chế đặc thù về quản lý nhập cư để ngăn chặn quyền tự do cư trú của công dân. Nếu TP vẫn cứ để dân số phát triển tự do thì rất khó giải quyết được chất lượng cuộc sống người dân. Điều đó còn dẫn đến tình trạng người dân ngủ ngoài đường, công viên, vườn hoa gây mất an ninh trật tự”, ông Nghị nói.
 
Theo ông Nghị việc cấm ở đây không phải là sự yếu kém trong vấn đề quản lý. Và cấm cũng là một trong những biện pháp của quản lý xã hội. Nhưng không lên lạm dụng vấn đề này. Chỉ khi nào những biện pháp kia chưa đủ thì mới cấm.
 
Phạt nặng để nâng cao ý thức người Thủ đô
 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, pháp luật nhà nước áp dụng chung cho cả nước nên khó có thể quy định hết các vấn đề phát sinh phức tạp, bức xúc ở Thủ đô, nhất là trong bối cảnh hệ thống pháp luật nước ta còn thiếu, chưa đồng bộ.
 
Các quy định xử phạt trong luật hiện hành cũng chưa tính đến đặc thù quản lý đô thị ở các TP lớn đông dân như Hà Nội và TPHCM. Do vậy, việc cho phép áp dụng mức phạt cao hơn khi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông và cư trú là cần thiết. Điều đó có ý nghĩa răn đe, nhằm chấn chỉnh công tác quản lý đô thị và đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

 
Bí thư lo ngại Luật Thủ đô bị lạm dụng - 2
Khi chưa có cơ chế đặc thù người Hà Nội còn vô tư xả rác
 
Theo ông Phạm Quang Nghị khi mà ý thức của người dân chưa tốt, Thủ đô cần phải có cơ chế đặc thù riêng. “Có làm như vậy mới đảm bảo lợi ích cho toàn xã hội và vì Thủ đô. Đây cũng không phải vi phạm quyền công dân mà làm cho quyền lợi của công dân được tốt hơn”, ông Nghị nói.
 
Ông Nghị cho rằng, cả nước đòi hỏi Thủ đô phải xanh, sạch, đẹp, văn minh thì cần phải có công cụ, cơ chế riêng. “Trước đây, không có cái đó chúng ta vẫn làm nhưng rất khó khăn. Hơn nữa, nếu không có cơ chế đặc biệt thì đừng có chê trách Hà Nội tắc đường, rác thải bừa bãi không được giải quyết”, ông Nghị nói và cho rằng nếu sau này ý thức người dân Thủ đô được nâng cao có thể tháo gỡ dần những quy định đặc thù này.
 
Ông Nghị cũng lo lắng về vấn đề thực hiện những cơ chế đặc thù này, vì nếu không cẩn thận rất dễ bị lạm dụng dẫn đến tình trạng làm trái luật, trái hiến pháp, Thủ đô thành vương quốc riêng. Do vậy, Bí thư đề nghị trong Luật Thủ đô cũng phải có quy định biện pháp để giám sát quá trình đưa luật vào thực tiễn.
 
Quang Phong