1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bí thư Hà Nội: Thủ đô có sự biến động về lãnh đạo, gây ảnh hưởng không nhỏ

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong năm 2022, thành phố có sự biến động về lãnh đạo chủ chốt đã tác động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội…

Thẳng thắn chỉ ra hạn chế, tồn tại để phát triển

Sáng 7/12, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kỳ họp này sẽ xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách năm 2022; kế hoạch năm 2023 và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác.

Bí thư Hà Nội: Thủ đô có sự biến động về lãnh đạo, gây ảnh hưởng không nhỏ - 1

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc sáng 7/12 (Ảnh: Nguyễn Hợp).

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, kỳ họp HĐND TP tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng thực chất, hiệu quả, giảm thời gian trình bày các báo cáo, tờ trình, dành thời gian cho hoạt động thảo luận tại tổ và tại hội trường; dành thời gian 1 ngày cho phiên chất vấn, trả lời chất vấn.

"Đây là những hoạt động quan trọng của nghị trường nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và trí tuệ của đại biểu, đại diện cho cử tri, Nhân dân Thủ đô để trao đổi, thảo luận các nội dung quan trọng của kỳ họp" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐND TP cho biết, năm 2022, với sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực, thành phố đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Thành phố dự kiến hoàn thành 22/22 chỉ tiêu năm 2022; tăng trưởng GRDP ước tăng 8,8%, thu ngân sách ước đạt khoảng 333 nghìn tỷ đồng, bằng 106,8% so với dự toán HĐND Thành phố giao và tăng 2,7% so với cùng kỳ…

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022, thành phố còn triển khai nhiều nhiệm vụ rất quan trọng khác.

Cụ thể, tổng kết và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Triển khai lập Quy hoạch thành phố, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Trình phê duyệt chủ trương đầu tư và chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…

Bí thư Hà Nội: Thủ đô có sự biến động về lãnh đạo, gây ảnh hưởng không nhỏ - 2

Quang cảnh kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XVI (Ảnh: Nguyễn Hợp).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Tuấn cho biết, qua giám sát của HĐND TP cho thấy vẫn còn một số khó khăn, thách thức và tồn tại, hạn chế, cần được tập trung khắc phục. Vì vậy, kỳ họp này, HĐND TP dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, đánh giá về những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại và đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, sát với yêu cầu thực tiễn của TP.

Sau cùng, Chủ tịch HĐND TP đề nghị các vị đại biểu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, theo quy định của luật hãy phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ để thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, sâu sắc, góp phần vào sự thành công của kỳ họp.

Thẳng thắn, cầu thị, không né tránh!

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2022, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới, mối đe dọa an ninh phi truyền thống; tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Bên cạnh đó, theo Bí thư Hà Nội, trong năm 2022, thành phố có sự biến động về lãnh đạo chủ chốt đã tác động không nhỏ đến thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh; đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội Thủ đô.

Bí thư Hà Nội: Thủ đô có sự biến động về lãnh đạo, gây ảnh hưởng không nhỏ - 3

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại kỳ họp sáng 7/12 (Ảnh: Nguyễn Hợp).

Trong bối cảnh bộn bề công việc, thành phố đã chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ có tính chất định hướng chiến lược, căn cơ, lâu dài cho sự phát triển của thành phố.

"Có thể khẳng định, năm 2022 vừa qua, Thành phố chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, cơ bản và toàn diện trên mọi mặt về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…" - ông Dũng bày tỏ.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Bí thư Hà Nội cho biết, thành phố cũng đã thẳng thắn, cầu thị, không né tránh chỉ rõ các tồn tại, yếu kém. Trong đó, việc phát huy lợi thế, tiềm năng, huy động nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương còn chưa đạt yêu cầu.

Ngoài ra, ùn tắc giao thông, úng ngập còn xảy ra ở một số nơi; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, nhất là tại một số làng nghề; quản lý quy hoạch đô thị còn hạn chế… gây bức xúc trong dư luận; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục khó khăn và có xu hướng chậm dần qua các năm; công tác phòng cháy, chữa cháy hiệu quả chưa cao…

Tiếp tục phát biểu, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã gợi mở và nhấn mạnh một số nội dung, trong đó HĐND TP cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ TP, Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Thành ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 để thảo luận và quyết định mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

Bên cạnh đó, các địa biểu cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, xem xét kỹ lưỡng những cơ chế, chính sách lớn, quan trọng liên quan trực tiếp tới việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023; liên quan đời sống dân sinh và việc thực hiện các nhiệm vụ cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2025 cùng nhiều vấn đề quan trọng khác…

Đặc biệt, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị HĐND TP và HĐND các cấp cần tích cực, chủ động đổi mới nhiều hơn nữa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Trong đó, cần tập trung lựa chọn các vấn đề nổi cộm được cử tri, dư luận quan tâm để chọn lựa làm nội dung giám sát, chất vấn, giải trình như những vấn đề về cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương; quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên, môi trường; đôn đốc tiến độ các công trình, dự án…

"Chúng ta đang chuẩn bị bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023, với niềm tin, khí thế và sức bật mới. Phát huy truyền thống đoàn kết, kinh nghiệm, kết quả đạt được của năm 2022 và những năm qua, Thủ đô của chúng ta nhất định sẽ có thêm những bước chuyển mới, đạt được nhiều kết quả thật đáng khích lệ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng kỳ vọng và mong mỏi của cử tri Thủ đô" - ông Dũng nói.

Xem xét 44 nội dung gồm 22 báo cáo và 22 nghị quyết

Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XVI diễn ra từ ngày 7/12-10/12. Kỳ họp dự kiến sẽ xem xét 44 nội dung gồm 22 báo cáo và 22 nghị quyết.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, HĐND TP sẽ dành một ngày thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; lựa chọn 3/4 nội dung "tập trung vào vấn đề dân sinh bức xúc" để chất vấn.

4 nhóm nội dung được lựa chọn để chất vấn gồm:

Một là chất vấn và tái chất vấn thực hiện kết luận sau giám sát chất vấn giải trình của HĐND TP, của Thường trực HĐND TP và những cam kết, lời hứa của UBND TP và một số các cơ quan của thành phố.

Hai là chất vấn nhóm vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.

Ba là chất vấn nhóm vấn đề thoát nước trên địa bàn thành phố

Bốn là chất vấn về công tác di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn thành phố.

Trước đó, vào tháng 9/2020, ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ được điều động, tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020. Sau đó, tại phiên họp bất thường, đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thống nhất bầu ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tuy nhiên, vào tháng 6 vừa qua, ông Chu Ngọc Anh bị khai trừ ra khỏi Đảng vì bị xác định có vi phạm "liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á".

Sau khoảng một tháng UBND TP Hà Nội không có Chủ tịch, đến tháng 7, ông Trần Sỹ Thanh, Tổng kiểm toán Nhà nước được điều động làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; được HĐND TP Hà Nội bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 22/7.