1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bí thư Hà Nội: Sẽ phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, Thủ đô Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển 2 thành phố trực thuộc là TP Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh) và TP phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai).

Ngày 23/11, kết luận tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, với tinh thần trách nhiệm cao, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ 10 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Bí thư Hà Nội: Sẽ phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô - 1

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận tại hội nghị ngày 23/11 (Ảnh: Quỳnh Anh).

Nhấn mạnh thêm một số vấn đề lớn, quan trọng và khái quát lại những kết quả chủ yếu của hội nghị, Bí thư Thành ủy chỉ rõ, năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020-2025, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Do đó, quan điểm chỉ đạo của Thành ủy năm 2023 là: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có; các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp. Thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2023 là năm "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển".

Cơ bản thống nhất với các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp yêu cầu các cấp ủy, chính quyền… tập trung thực hiện để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023.

Trong đó, Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về nội dung này, ông Dũng lưu ý quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, giữ được văn hóa nông thôn Bắc Bộ gắn với làng nghề, di tích văn hóa, lịch sử...

Bí thư Thành ủy còn yêu cầu các cấp, các ngành phải tăng cường chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, quản lý phương tiện giao thông, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là hoàn thành đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội.

Ngoài ra, cần hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; xây dựng, ban hành quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; tiếp tục rà soát, xử lý hơn 400 dự án có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn theo Nghị quyết của HĐND TP.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ các nội dung quan trọng cần tập trung thực hiện nhằm bảo đảm các mục tiêu, nhiệm vụ về tài chính - ngân sách, đầu tư công vừa phát huy kết quả đạt được, vừa khắc phục những hạn chế, tồn tại; tạo bước chuyển biến mới trong năm 2023.

Đặc biệt, về nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Đinh Tiến Dũng lưu ý, Thủ đô Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), Thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai).

Theo Bí thư Hà Nội, đây sẽ là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực phía Bắc, phía Đông và phía Tây của thành phố. Bên cạnh đó cần quan tâm phát triển các huyện phía Nam, vùng xa, giáp ranh với các tỉnh khác như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì (vốn là các địa phương còn nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội), tránh để hình thành các "vùng trũng" về phát triển của thành phố…