Bí thư Hà Nội: Sẽ khởi công đường vành đai 4 vào 30/6 tới đây
(Dân trí) - Theo Bí thư Hà Nội, dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, đến nay, Hà Nội đã bàn giao 50% diện tích đất của dự án, gần 60% mồ mả được di chuyển.
Sáng 5/5, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 4 tiếp xúc cử tri tại quận Hoàng Mai.
Trên 320 tỷ cho một km đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Tại buổi tiếp xúc cử tri, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho biết, việc xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô mục tiêu theo Nghị quyết của Chính phủ đến 30/6/2023 phải bàn giao cơ bản 70% mặt bằng và tổ chức khởi công, đến 31/12/2023 bàn giao 100% mặt bằng.
Đến nay, Hà Nội đã bàn giao 50% diện tích đất của dự án, gần 60% mồ mả được di chuyển.
"Sau Tết, các quận huyện tiếp tục cho di chuyển mồ mả và bà con rất đồng thuận. Rất xúc động khi những ngôi mộ "tươi" được đóng hòm kẽm để di chuyển, sự đồng thuận của nhân dân rất quan trọng, thuận lòng dân là chúng ta sẽ làm được", ông Dũng nói.
Theo ông, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài hơn 110km đi qua 3 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư trên 85.000 tỷ đồng.
Trong đó, phần đường đi qua Hà Nội có chiều dài hơn 50km, còn lại của Bắc Ninh, Hưng Yên. Tính theo phương án giải phóng mặt bằng đã duyệt thì tổng kinh phí để làm một km đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thấp hơn rất nhiều so với các dự án khác như đường Vành đai 2,5; đường Vành đai 1.
"Chúng ta làm sớm ngày nào, đồng bộ ngày nào thì rẻ ngày đấy. Điều quan trọng hơn là khi làm đồng bộ sớm thì ổn định đời sống nhân dân", ông Dũng nhấn mạnh và khẳng định đến ngày 30/6 tới đây sẽ khởi công trên toàn tuyến.
Kiến nghị làm bãi đỗ xe thông minh ở quận đông dân nhất Hà Nội
Trả lời kiến nghị của cử tri về các vấn đề trên Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, việc xây dựng, cải tạo sửa chữa trường học cần phân cấp cho quận, huyện còn thành phố chỉ quản lý về mặt Nhà nước.
Bí thư Hà Nội cho rằng, quận Hoàng Mai còn nhiều trường học, bãi đỗ xe bị bỏ hoang trong khi nhu cầu của người dân lớn. Đối với các nhà đầu tư khi tiến hành xây dựng chính quyền cần tạo điều kiện hết sức nhưng khi làm phải có cam kết.
Chủ trương của thành phố đối với những dự án mới, dự án đang làm phải tháo gỡ khó khăn, yêu cầu nhà đầu tư phải xây dựng trường học, bệnh viện trước khi cho người dân vào ở.
Ông Dũng cho biết, đã có văn bản bàn giao cho quận Hoàng Mai về vấn đề bãi đỗ xe. Ông cũng đồng tình với kiến nghị của cử tri về việc xây dựng bãi đỗ xe thông minh có thể cao từ 5-7 tầng kết hợp dịch vụ ăn uống.
Bí thư Hà Nội đánh giá công tác xử lý, giải quyết các vụ việc về an ninh; quản lý, sử dụng lòng đường vỉa hè có lúc có nơi còn chậm, thiếu bài bản, chưa triệt để.
Ông cho rằng vỉa hè có nhiều chức năng, bình thường để phục vụ người đi bộ nhưng với Thủ đô phần nào nó cũng là sinh kế của người dân nên phải tính toán kỹ lưỡng.
Liên quan đến vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy cho các quán karaoke, Bí thư Hà Nội đề nghị Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Hải Trung cần kiểm tra, kiểm soát kỹ, quán nào đã đủ điều kiện cho hoạt động trở lại.
Trước đó, cử tri Mai Thanh Trung (phường Định Công, quận Hoàng Mai) cho rằng, quận Hoàng Mai có tốc độ phát triển đô thị cao, dân số cơ học tăng đột biến trong những năm gần đây dẫn đến những nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng.
Theo số liệu, năm 2022 quận Hoàng Mai có hơn 700.000 dân, riêng phường Định Công là hơn 51.000 người, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học đã trở nên cấp bách và thành gánh nặng cho chính quyền địa phương.
Tuy vậy, việc xây trường học theo quy hoạch trên địa bàn quận Hoàng Mai gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Trung kiến nghị đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố có kiến nghị với Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan tháo gỡ công tác đầu tư trường học theo quy hoạch, trong các khu dân cư hiện có. Các cấp cần bàn giao bãi xe theo quy hoạch cho quận Hoàng Mai để làm bãi xe thông minh, cao tầng.
Còn cử tri Nguyễn Hữu Sự (phường Đại Kim) cho rằng, hiện nay công tác phòng cháy, chữa cháy được các cấp đặc biệt quan tâm, mô hình chữa cháy công cộng đang được áp dụng và phát huy hiệu quả, nâng cao nhận thức của người dân về PCCC.
Theo quy định của Luật PCCC đối với các lĩnh vực kinh doanh như karaoke, nhà nghỉ... còn nhiều bất cập so với thực tế. Đặc biệt, cơ sở kinh doanh karaoke còn nhiều tồn tại về PCCC và cứu hộ cứu nạn, hệ thống báo cháy tự động chưa kết nối với âm thanh trong phòng hát...
Căn cứ quy định hiện hành, nhiều cơ sở karaoke phải tạm đình chỉ hoạt động gây khó khăn, ảnh hưởng đến kinh tế của các cá nhân, doanh nghiệp nên ông Sự kiến nghị đoàn Đại biểu có ý kiến với các cơ quan chức năng sớm giải quyết tình trạng nêu trên.