1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bí thư Hà Nội mong đại biểu HĐND thành phố biết lắng nghe dân

(Dân trí) - Bí Thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị mong đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2011 - 2016 hoạt động hiệu quả, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Mỗi đại biểu là cầu nối giữa nhân dân với chính quyền thành phố.

Bên lề kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV, ông Nghị cho rằng trong khóa này, hội đồng cần phát huy mạnh mẽ công tác giám sát. Các nhiệm vụ trọng tâm là: giám sát phát triển kinh tế - xã hội; giám sát đội ngũ công chức và những vấn đề cấp bách; đặc biệt là những vấn đề về quy hoạch, kế hoạch phát triển của Thủ đô, các chương trình dự án…
 
Bí thư Hà Nội mong đại biểu HĐND thành phố biết lắng nghe dân - 1
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị mong ĐB HĐND lắng nghe dân

Theo ông Nghị, giám sát là đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động khác nên cần thông qua cơ chế, chính sách phù hợp.

Đề cập đến việc giám sát chưa đạt hiệu quả như mong muốn, Bí thư cho rằng nguyên nhân là do sự phối hợp của các cơ quan nhà nước còn chưa tốt.

“Phát hiện ra vấn đề nhưng việc sửa chữa khắc phục cần phải có điều kiện, quy trình và tinh thần trách nhiệm của cán bộ mới khắc phục được tốt. Hơn nữa, năng lực cán bộ giám sát phải sắc bén, tìm ra vấn đề, tham gia vào việc gợi mở hướng khắc phục”, ông Nghị giải thích.

Trước những băn khoăn về việc đại biểu HĐND khóa XIV có nhiều cán bộ đảm nhiệm vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động, Bí thư cho rằng tỷ lệ này ở HĐND cũng như Quốc hội đều đã được các cấp ngành thảo luận cân nhắc rất khoa học.

“Tỷ lệ này không quá nhiều nhưng đủ để huy động trí tuệ, kinh nghiệm và khả năng trong việc thông qua các quyết định”, Bí thư nói.

Điều ông Nghị mong ở đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011 - 2016 là hoạt động hiệu quả, biết lắng nghe dân. Đại biểu là cầu nối giữa nhân dân với chính quyền thành phố.

Bí thư thành phố còn cho hay, sau khi được Thủ tướng thông qua Đồ án quy hoạch chung, Hà Nội sẽ rà soát việc thực hiện quy hoạch. “Quy hoạch chung không thay đổi do vậy những gì không phù hợp quy hoạch sẽ phải điều chỉnh. Đây là một trong những yêu cầu cao và nghiêm ngặt trong giám sát thực hiện quy hoạch”, ông Nghị cho hay.
 
Cũng tại kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố khóa XIV, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lại đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế Thủ đô, giải quyết những vấn đề dân sinh. Trong đó Chủ tịch nhấn mạnh việc giảm ùn tắc bằng cách tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông lên 8-9%, giao thông tĩnh đạt 5%.
 
Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, để vượt qua những thách thức, rào cản trong quá trình phát triển kinh tế, thành phố phải đổi mới phong cách lãnh đạo và phương pháp điều hành.
Bí thư Hà Nội mong đại biểu HĐND thành phố biết lắng nghe dân - 2
Lễ ra mắt lãnh đạo thành phố nhiệm kỳ 2011 - 2016

Về xây dựng và quản lý đô thị phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và kiến trúc nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội thành thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại, một đô thị phát triển năng động hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, có môi trường làm việc tốt.

Trên cơ sở quy hoạch chung được phê duyệt, khẩn trương tổ chức các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các quy hoạch chuyên ngành, các quy chế, quy định quản lý… để đáp ứng cơ bản và kịp thời cho nhu cầu đầu tư xây dựng hiện nay và tiến trình đô thị hoá trong thời gian tới.

Đẩy nhanh đầu tư xây dựng theo quy hoạch, chú trọng xây dựng đồng bộ các khu nhà ở cho người thu nhập thấp, khẩn trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, một số trường đại học ra ngoài nội đô; tiếp tục chỉnh trang, bảo tồn, nâng cấp đô thị cũ.

Đặc biệt là tăng cường đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị như giao thông vận tải, cấp thoát nước, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập cục bộ, ô nhiễm môi trường.

Đối với hạ tầng giao thông, ông Thảo nhấn mạnh việc cần phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống giao thông chính bao gồm các tuyến đường hướng tâm; các tuyến đường vành đai, các cầu qua sông, đường trên cao; đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt nội đô.

Chủ tịch cho biết, mục tiêu là tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông thêm từ 0,3 - 0,5% một năm, để đến năm 2015 tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt từ 8-9% đất xây dựng đô thị, đất dành cho giao thông tĩnh đạt 5%.

Đồng thời với việc quy hoạch và đầu tư phải tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, khắc phục bằng được tình trạng xây dựng sai phép, xây dựng không phép, không đúng quy hoạch.

“Ở địa phương nào xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm trật tự đô thị thì chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và Giám đốc Sở chức năng phải chịu trách nhiệm”, ông Thảo nhấn mạnh.

Chủ tịch thành phố cũng quan tâm đến việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là đối tượng chính sách xã hội, người nghèo. Ông Thảo phấn đấu đến năm 2015, GDP bình quân đầu người/năm từ 4.100 - 4.300 USD và thu hẹp khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nội thành và ngoại thành.
 

Hậu Giang, Vĩnh Long: Khai mạc kỳ họp thứ nhất HĐND bầu lại lãnh đạo tỉnh

 

Hôm qua 20/6, tại kỳ họp thứ nhất HĐND 2 tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long, các đại biểu đã bầu lại các lãnh đạo HĐND và UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

 

Tại tỉnh Hậu Giang, HĐND khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016 chính thức khai mạc. Tại kỳ họp, các đại biểu được nghe báo cáo tổng kết kỳ bầu cử HĐND các cấp vừa qua của tỉnh đã diễn ra thành công tốt đẹp. 

 

Trong phần bầu lại chức danh chủ chốt của tỉnh, các đại biểu đã nhất trí bầu ông Đinh Văn Chung- Thường vụ Tỉnh ủy giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh khóa VIII. Ông Nguyễn Quốc Ca- Bí thư Huyện ủy Vị Thủy được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

 

Ông Trần Công Chánh- Chủ tịch UBND tỉnh khóa VII được bầu lại làm Chủ tịch UBND tỉnh khóa VIII. 4 Phó Chủ tịch UBND tỉnh được bầu gồm các ông: Trần Thành Lập, Lê Hồng Tịnh, Nguyễn Liên Khoa và Nguyễn Thành Nhơn.

 

Tại kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016 diễn ra ngày 20/6, các đại biểu đã bầu ông Phạm Văn Lực- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh khóa VIII.

 

Các đại biểu cũng bầu lại ông Nguyễn Văn Diệp- Chủ tịch UBND tỉnh khóa VII làm Chủ tịch UBND tỉnh khóa VIII.

 

Các ông Nguyễn Văn Thanh, Phan Anh Vũ và Trương Văn Sáu cùng được bầu làm các Phó Chủ tịch UBND tỉnh.  (Huỳnh Hải)

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm