Bí thư Hà Nội: Kiểm soát xe cá nhân, không chỉ xe máy mà cả ô tô
(Dân trí) - “Đã đến lúc tính đến vận động người dân đồng thuận kiểm soát phương tiện cá nhân, không phải chỉ xe máy mà cả ô tô. Nếu không thực hiện thì sẽ không thể đáp ứng được cho một đô thị lớn, đang tăng trưởng rất nhanh”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.
Ngày 28/9, TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2016. Tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dành nhiều thời gian nói đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đô thị và đề án hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc trong nội đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu ra hàng loạt thách thức công tác giải phóng mặt bằng những năm tới, trong đó khối lượng công việc nhiều gấp đôi giai đoạn trước. Cụ thể, kế hoạch giải phóng mặt bằng giai đoạn này là 2.700 dự án, số người phải tái định cư là 1.900 hộ dân. Trong khi đó, ngân sách trong 5 năm tới cũng khó khăn hơn nhiều.
Do vậy, theo ông Hoàng Trung Hải nếu thành phố không có phương pháp mới, không có cách tiếp cận mới và không quyết tâm, quyết liệt thì rất “gay go”. Bởi 5 năm trước, Hà Nội đầu tư như vậy, nhưng hạ tầng chỉ tăng trưởng được 3,4%. Hiện nay, tăng trưởng dân số nhanh, Hà Nội đang chịu sức ép rất lớn về hạ tầng điều đó dẫn đến hàng loạt vấn đề như tắc đường, rác thải, nước thải.
“Đô thị ngày càng phát triển mạnh, rất nặng nề. Do vậy, nếu không xử lý quyết liệt thì sẽ bị những bất cập về đô thị tác động đến ổn định kinh tế - xã hội. Các đồng chí xem tắc đường 2 tiếng ở Cầu Tó, nhưng nếu không làm quyết liệt hơn nữa thì có thể lên đến 5 tiếng, thậm chí 8 tiếng. Anh Chung (Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cũng bàn với tôi là tới đây thành phố sẽ đầu tư cấp bách cho khu vực này”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, để tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng giao thông, thành phố phải tập trung vào phát triển tàu điện ngầm. Tuy nhiên, trong quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị, thì Hà Nội hiện nay mới triển khai được 3 tuyến, trong đó tuyến Cát Linh - Hà Đông đến sang năm 2017 sẽ hoàn thiện, tuyến Nhổn – ga Hà Nội đến cuối năm 2020 mới xong. Theo ông Hải, với 8 tuyến đường sắt như vậy là chưa đủ cho thành phố trên 10 triệu dân, do vậy Hà Nội phải tiếp tục quy hoạch thêm các tuyến mới.
Để các dự án triển khai nhanh, hiệu quả, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, thành phố phải xây dựng cơ chế để trình Chính phủ, Quốc hội xin cơ chế đặc thù. Bởi trong Luật Thủ đô, Hà Nội được quyền đề xuất với nhà nước cho những cơ chế đặc biệt để giải quyết quá tải về hạ tầng.
Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, đã đến lúc thành phố tính đến việc vận động người dân đồng thuận với việc kiểm soát phương tiện cá nhân, không chỉ xe máy mà cả ô tô. Vì nếu không thực hiện thì sẽ không thể đáp ứng được cho một đô thị lớn và đang tăng trưởng rất nhanh.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung Hải, thành phố phải đưa ra các giải pháp thực sự để kiểm tra việc quản lý phương tiện cá nhân.
Quang Phong