TPHCM:
Bí thư Đinh La Thăng: Kiểu “đường một chiều” là một áp lực lớn
(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng vào buổi sáng, trên các làn đường vào trung tâm rất nhiều xe, còn làn đường ngược lại thì xe rất ít. Kiểu “đường một chiều” đang là một áp lực lớn. Do đó, cần phải có sự tính toán để điều chỉnh cho phù hợp, bố trí phân luồng cho đi ngược chiều vào thời điểm thích hợp…
Ngày 5/1, tại cảng Cát Lái, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc về tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực cảng Cát Lái và phía Đông thành phố.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái (Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Vành đai 2, Vòng xoay Mỹ Thủy) thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài.
Ông Cường cho rằng nguyên nhân khiến ùn tắc giao thông là lượng xe vận chuyển hàng hóa qua cảng Cát Lái tăng mạnh. Theo quy hoạch đến năm 2020, năng lực dự kiến thông qua cảng Cát Lái khoảng 36 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, thực tế trong năm 2016, sản lượng hàng hóa qua cảng đã vượt quy hoạch, đạt 53 triệu tấn.
Ngoài ra, trong năm 2016, cảng Cát Lái phải giao nhận một phần hàng hóa của các cảng khác chuyển về, cùng với việc siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ nên lượng xe ra vào cảng tăng 17% so với năm 2015, trung bình 17.000 xe/ngày đêm (cao điểm lên đến hơn 20.000 lượt xe).
Trong khi đó, hạ tầng giao thông khu vực chưa hoàn chỉnh, các giao cắt chủ yếu là đồng mức (như nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú…). Trong khu vực có nhiều dự án xây dựng hạ tầng, đô thị cũng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên các tuyến đường ra vào cảng.
Cũng theo ông Bùi Xuân Cường, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cảng Cát Lái, các đơn vị liên quan đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp cấp bách như: Cải thiện thủ tục, rút ngắn thời gian hàng hóa vào cảng Cát Lái; điều chỉnh tổ chức giao thông; đầu tư các công trình giao thông đường bộ, các bến cảng…
Bí thư Đinh La Thăng cho rằng việc tổ chức giao thông trên toàn địa bàn thành phố trong điều kiện lượng xe ô tô, xe máy đang quá lớn cần phải được tính toán kỹ với những giải pháp đồng bộ.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình; ứng dụng giao thông thông minh, công nghệ thông tin; đẩy nhanh việc thực hiện thu phí tự động tại các trạm thu phí; tăng cường phân cấp cho các địa phương trong việc thực hiện quản lý giao thông; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý.
Theo ông Đinh La Thăng, trên thực tế có những làn đường xe cộ lưu thông dày đặc, trong khi có những làn đường rất ít xe cộ. Trong khi làn đường vào trung tâm thành phố buổi sáng xe cộ rất đông thì làn đường ngược lại xe cộ rất ít. Ngược lại, buổi chiều thì làn đường ra ngoại ô xe cộ nườm nượp, làn đường vào thành phố thì thông thoáng.
Bí thư Thăng cho rằng kiểu “đường một chiều” này đang là một áp lực lớn. Do đó, phải có sự tính toán để điều chỉnh cho phù hợp. Có thể cho xe máy đi vào làn ô tô, bố trí phân luồng cho đi ngược chiều ở những thời điểm phù hợp…
Cũng theo Bí thư Thăng, trong năm 2016, Thường trực Thành ủy đã họp bàn, làm việc rất nhiều với các sở ngành, quận, huyện về vấn đề kéo giảm ùn tắc giao thông. Các chỉ đạo có tổ chức triển khai thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, chuyển biến chưa đáng để.
“Để thúc đẩy vấn đề này, Thường trực Thành ủy giao cho các ban Đảng, đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Thành ủy giám sát việc thực hiện chỉ đạo của cấp ủy. Các sở ngành, quận, huyện lơ là nhiệm vụ phải bị xử lý trách nhiệm”, Bí thư Thăng nói và cho rằng có một giải pháp giải tỏa áp lực giao thông “không mất tiền mà hiệu quả rất cao”, đó là tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành giao thông của người dân.
Quốc Anh