1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bí thư Đà Nẵng: “Đất lành nhưng chim đậu chưa nhiều”

(Dân trí) - Đó là phát biểu của ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng- với lãnh đạo các sở ngành và hơn 100 doanh nghiệp vào sáng 11/4 tại hội nghị phân tích kết quả chỉ số PCI 2013 và sơ kết quý I chương trình hoạt động “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chúc mừng TP Đà Nẵng quay trở lại vị trí quán quân về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với 66,45 điểm. Kết quả này là sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng trước những nỗ lực cải cách và điều hành của TP trong thời gian qua.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp
Lãnh đạo TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp

Theo bà Hằng, các lĩnh vực mà Đà Nẵng đạt tốt trong năm qua gồm tiếp cận đất đai, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý và tính năng động của lãnh đạo.

“Tuy vậy PCI là cuộc đua không có điểm dừng, nhất là khi năm 2013 phương pháp luận PCI có nhiều sự thay đổi đòi hỏi chương trình hành động của thành phố cần có sự điều chỉnh tương ứng”, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng phát biểu.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng cũng cho rằng, mặc dù Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng PCI xong một số chỉ tiêu vẫn còn thấp so với mong đợi của các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, chỉ có 46,7 % doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng cho biết, đầu tư tại thành phố này họ ít gặp tham nhũng hơn thành phố khác; 44% doanh nghiệp cho rằng họ ít gặp hạn chế về quy định pháp luật hơn và 24% doanh nghiệp cho biết TP Đà Nẵng có mức thuế thấp hơn nới khác trong khi chỉ số này ở Hải Dương là 68%, TPHCM là 58%, Hải Phòng 50%...

Lãnh đạo TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp
Ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho rằng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng

Ngoài ra, theo bà Hằng, mới chỉ có 40% doanh nghiệp FDI mất dưới 1 tháng để hoàn tất thủ tục và giấy phép để chính thức đi vào hoạt động, thấp hơn nhiều so với Hải Phòng (71%) hay Bình Dương (75%)… Ngoài ra chi phí đào tạo lao động của Đà Nẵng là cao nhất so với các tỉnh thành khác.

Đặc biệt, qua con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư của Đà Nẵng cần nhiều cải thiện hơn nữa. Bởi trong số 13 tỉnh thành tập trung nhiều doanh nghiệp vốn nhất thì Đà Nẵng chỉ đứng vị trí 12/13 tỉnh thành, trên Hà Nội.

Khi được mời phát biểu góp ý về tình hình hiện nay của các doanh nghiệp trong Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, cần ít thanh tra hơn và cần có thanh tra liên ngành để doanh nghiệp có thời gian cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo ông Vinh, theo kết quả khảo sát thì có hơn 93% doanh nghiệp có liên kết với chính quyền, ông đề nghị giảm tỉ lệ này xuống để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng với nhau.

Còn ông Lê Văn Hiểu – Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng - thì cho rằng hiện nay lãi suất của các ngân hàng vẫn còn ở mức cao và ông đề nghị nên tiếp tục giảm lãi suất cho các doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó là việc đáo hạn nợ, ông Hiểu đề nghị nên tổ chức một hội nghị để ngân hàng nhà nước lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp trong vấn đề đáo hạn nợ.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp
Lê Văn Hiểu – Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng yêu cầu giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp có điều kiện đóng góp hơn nữa cho Đà Nẵng

Khi nghe ông Hiểu trình bày, ông Trần Thọ yêu cầu các Hiệp hội trên địa bàn thông báo ngay cho các doanh nghiệp trong hiệp hội về vấn đề lãi suất. Nếu có doanh nghiệp nào còn vay lãi suất cao ngất ngưỡng thì gởi đơn đến ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng và gởi cho ông 1 bản, ông sẽ xử lý ngay.

Đối với ngành thuế, khi được chủ tọa yêu cầu phát biểu, ông Trần Văn Miên – Cục trưởng Cục thuế Đà Nẵng - nói khi nào các doanh nghiệp có khúc mắc về thuế cứ gọi ngay cho ông, ông sẽ xử lý ngay và xử lý dứt điểm để doanh nghiệp thỏa mãn, tránh phiền hà cho doanh nghiệp.

Khi đề cập đến vấn đề thuế, ông Võ Duy Khương – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - chia sẻ một câu chuyện bên lề mà ông đã chứng kiến. Ông Khương nói: Có 1 cán bộ về thuế của doanh nghiệp gặp ông nói rằng làm ở doanh nghiệp phải làm 2 hệ thống sổ kế toán, một để báo cáo thuế và một đẻ doanh nghiệp biết. Cán bộ này muốn xin đi làm ở doanh nghiệp khác vì làm ở doanh nghiệp thế nào cũng đi tù vì tội trốn thuế.
 
Bí thư Đà Nẵng – ông Trần Thọ - cho rằng “Đất lành nhưng chim đậu không nhiều”
Bí thư Đà Nẵng – ông Trần Thọ - cho rằng “Đất lành nhưng chim đậu không nhiều”

Trước ý kiến của các lãnh đạo, doanh nghiệp, ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng hiệu quả của doanh nghiệp chính là sự thành công của TP Đà Nẵng. Tuy nhiên nghe thì hay nhưng làm không phải dễ, thậm chí rất khó. “Tôi cũng vui khi lần đầu tiên khi nghe doanh nghiệp khen chính quyền. Đó là liều thuốc bổ”, Bí thư Đà Nẵng bày tỏ.

Theo Bí thư Đà Nẵng, nhìn chung các nhóm giải pháp của Đà Nẵng đưa là đúng và ông tin sẽ đi vào chiều sâu. Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ đánh giá mức độ thành công của chính quyền.

Bí thư Đà Nẵng nói: “Về chỉ số năng lực cạnh tranh, chúng ta vui mừng vì đây là phần thưởng về tinh thần nhưng chúng ta chưa bước đến ngưỡng của đẳng cấp, thứ hạng còn “phập phù” lúc ở vị trí thứ 3, lúc thứ 5…. Dành lại vị trí dẫn đầu đã khó nhưng giữ vững càng khó khăn hơn; nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đang đòi hỏi chúng ta cao hơn mức bình thường, xếp thứ 1 mà còn nhiều doanh nghiệp kêu ca, xếp thứ 1 mà cán bộ công chức còn nhũng nhiễu, còn gây khó khăn cho doanh nghiệp là không được…”.

Ông Trần Thọ cũng cho rằng, tuyệt đối lãnh đạo của Đà Nẵng không được tự mãn, bằng lòng mà phải thực sự khiêm tốn và làm tốt hơn nữa. Ông rút ra 4 bài học kinh nghiệm về thành công của Đà Nẵng: Do nhận thức đúng, tâm huyết cao và chọn giải pháp phù hợp; tự ái cách mạng kịp thời; nhiều doanh nghiệp hưởng ứng tham gia, đóng góp tâm huyết và biết chia sẻ với tư cách là người trong cuộc; vai trò của truyền thông và báo chí tác động kịp thời.
 
Bí thư Đà Nẵng cũng đề ra một số việc phải làm cho tốt trong thời gian tới; đó là các thủ trưởng các đơn vị phải xây dựng, bổ sung kế hoạch hành động, khắc phục điểm yếu; triển khai năm doanh nghiệp cho tốt; tiếp tục cải tiến công việc, giảm thời gian của các tổ chức và cá nhân khi làm thủ tục; kiểm tra thanh tra nhưng doanh nghiệp phải “tâm phục khẩu phục”; tăng cường cơ chế phối hợp với các sở ngành, hiệp hội…

“Các Hiệp hội và cầu nối của doanh nghiệp với lãnh đạo TP mà cầu này phải có nhiều người qua lại”, Bí thư Đà Nẵng phát biểu. Ông cũng đề nghị cứ mỗi 2 tuần, ông cùng Chủ tịch và Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng ngồi lại vào chiều thứ 6 lắng nghe các doanh nghiệp và giải quyết bức xúc ngay tại chỗ.

Ông Trần Thọ cũng đề nghị cán bộ nào gây nhũng nhiễu thì doanh nghiệp nhắn tin ngay cho ông. Ông đề nghị các sở ngành tạo mọi điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào thành phố, không thể nói “Đất lành nhưng chim đậu không nhiều” được.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm