1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

“Bí mật” phía sau những cây gỗ sưa bị đổ

(Dân trí) - Cây gỗ sưa bật gốc hôm 7/1 trên phố Hàng Bè đã được nhập kho, tổng cộng là 13 khúc. Tuy nhiên khi phóng viên “xin” thông tin về số gỗ sưa đã nhập kho này thì ngay lập tức bị từ chối vì “vấn đề để đảm bảo an ninh”.

Gỗ sưa đặc biệt quý, mỗi cây trị giá hàng trăm triệu cho đến tiền tỉ tùy thuộc vào độ tuổi cây. Số lượng gỗ sưa tiền tỉ được thu về từ những vụ chặt trộm, hay bị đổ là không ít nhưng “nó” đi đâu thì giờ vẫn là điều bí mật.
 
Không phải ngẫu nhiên gỗ sưa được nhà nước xếp vào nhóm gỗ đặc biệt quý hiếm (nhóm 1A) và nghiêm cấm khai thác, chế biến buôn bán vận chuyển dưới mọi hình thức thương mại. Nhiều nguồn tin cho rằng có cây gỗ sưa tuổi trên 20 năm là có bạc tỉ.
 
Chính vì sự quý hiếm và giá trị bạc tỉ của nó nên chúng tôi mới đặt vấn đề: Số gỗ sưa được đưa về Công ty TNHH nhà nước một thành viên công viên cây xanh Hà Nội (sau đây gọi tắt là Công ty công viên cây xanh) từ trước tới nay được xử lí như thế nào?
 
“Bí mật” phía sau những cây gỗ sưa bị đổ - 1

Khúc gỗ sưa được cẩu lên đưa về kho lưu giữ ngày 7/1.

Ngày 7/1 cây gỗ sưa có độ tuổi 40 năm bị bật gốc đổ ra đường phố Hàng Bè, (quận Hoàn Kiếm) sau đó được Công ty công viên cây xanh lập biên bản đưa về nhập kho, nhưng khi PV Dân trí đề cập đến những giấy tờ liên quan xử lí số gỗ sưa này thì Phó Tổng Giám đốc công ty là ông Nguyễn Xuân Hưng tỏ ra hết sức bí mật - không cung cấp hay cho xem bất kì giấy tờ nào liên quan đến gỗ sưa mà đơn vị này đang giữ và bảo quản.

Theo ông Hưng vì “giá trị của gỗ sưa và những vấn đề nhạy cảm của nó, chúng tôi sẽ có báo cáo lên UBND thành phố”. Ông Hưng cũng từ chối cung cấp cho xem những báo cáo trước đây về khối lượng gỗ sưa mà Công ty công viên cây xanh đã từng thu giữ.

Còn theo Phó đội trưởng Đội bảo vệ Công ty công viên cây xanh, Nguyễn Phan Viễn cho biết, cây gỗ sưa hôm 7/1 bị đổ đã được thu và cho nhập kho, tổng cộng cả gốc, lõi, cành là 13 khúc. Tuy nhiên khi phóng viên “xin” xem biên bản ghi số lượng bao nhiêu m3 gỗ hoặc kích thước của từng khúc gỗ trước khi cho nhập kho, ngay lập tức cũng bị từ chối.

Tìm hiểu được biết, tháng 12/2008 tại phố Hàng Nón có cây gỗ sưa bị đổ do các công nhân thi công đào hè đường làm bật gốc. Lúc đó Công ty công viên cây xanh cũng cho thu về và nhập kho. Sau sự việc người dân thì cứ đồn cây sưa đó giá trị đến 1,5 tỉ và một lần nữa PV lại thất bại khi muốn xem biên bản số lượng gỗ sưa này đã cho nhập kho.

“Số cây sưa ở Hà Nội bị đổ từ trước tới nay đều do tác động của con người chứ bình thường rễ của nó rất sâu, mưa bão cũng không thể đổ được”, ông Hưng khẳng định và cho biết thêm, chúng tôi đã làm nhiều công văn gửi tới các đơn vị yêu cầu họ thi công trên các tuyến phố không được làm ảnh hưởng đến những cây xanh nhưng rất khó tránh.

Những người vận chuyển, buôn bán, chặt phá gỗ sưa trái phép đều bị xử lí hình sự, còn những công nhân dù vô tình nhưng làm tổn hại đến tài nguyên quý giá như vậy thì có phải bồi thường không thưa ông? “Họ chỉ bồi thường cho công dọn dẹp thôi, chứ làm gì có cơ sở nào để tính giá trị của cây”, ông Hưng nói.

Theo nguồn tin Dân trí,  mấy năm gần đây số lượng gỗ sưa được Công ty công viên cây xanh thu hồi từ các vụ chặt trộm hay đổ cây và cho nhập kho không phải là ít, nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn được chụp ảnh số gỗ sưa được lưu trữ thì cũng bị từ chối, vì theo ông Hưng là “phải xin ý kiến của Sở Xây dựng (đơn vị chủ quản - PV) và để đảm bảo an ninh”.

Dư luận đặt câu hỏi số lượng gỗ sưa được Công ty công viên cây xanh thu giữ bảo quản từ trước tới nay có khối lượng, trị giá bao nhiêu, liệu số gỗ đó có bị hao hụt? Và việc những công nhân thi công hè đường làm ảnh hưởng đến các cây sưa có hoàn toàn là do vô tình?
 
Hồng Ngân