Bi kịch đời phu trầm
Nhiều phu trầm trắng tay, bị cướp bóc, hành quyết, thậm chí bỏ mạng giữa rừng sâu nhưng họ vẫn quyết đi tìm vận may vì hầu như đó là lối thoát khỏi cảnh nghèo khó duy nhất.
Phu trầm Hoàng Thái Biên kể về lần gặp cướp mới đây
Làng “lâm tặc”
Thôn Minh Tiến những ngày này bao trùm không khí tang tóc. Người dân vẫn chưa thôi tiếc thương số phận cậu cháu phu trầm bị hành quyết Nguyễn Văn Thắng (45 tuổi) và Nguyễn Văn Sáu (23 tuổi). Ông Nguyễn Văn La, một phu trầm lão làng ở thôn Minh Tiến, chua xót: “Thắng hiền lành lắm, dân làng ai cũng thương, vậy mà những kẻ ác vẫn không buông tha”.
Từ đầu đến cuối thôn, đâu đâu chúng tôi cũng nghe người dân nói về vụ 5 phu trầm bị giết chết hôm 23-3 vừa qua ở khu rừng Lệ Thủy - Quảng Bình giáp ranh với Lào. Những nghi vấn xung quanh hung thủ cũng được họ đưa ra bàn tán và hy vọng những kẻ này sẽ bị pháp luật trừng trị.
Thế nhưng, dù tang thương vẫn bao phủ thôn làng, nhiều phu trầm ở Minh Tiến lại đóng gùi chuẩn bị vào rừng. Họ tiếp tục đến những khu rừng Chà Lỳ, Tà Văng... xa tít mù để tìm vận may.
Hành trang lên đường của phu trầm nhí Nguyễn Văn Hiền đựng đầy áo quần, gạo, đường, sữa được người mẹ chuẩn bị tươm tất nặng hơn 50 kg. Cuộc hành trình tìm kiếm vận may của cậu với anh trai cùng 2 người khác trong thôn sẽ kéo dài 30-40 ngày. “Tụi em cứ đi ngày này qua ngày khác, từ rừng Thanh Lạng gần cửa khẩu Cha Lo - Quảng Bình đến khu Chà Lỳ, Tà Văng... Cuộc tìm kiếm của tụi em chỉ kết thúc khi thấy trầm hoặc lương thực cạn kiệt” - Hiền cho biết.
13 tuổi, lẽ ra giờ đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng Hiền đã bỏ học từ lớp 5 để theo anh trai tìm trầm. Công việc vất vả, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy đã rèn cho cậu tính gan dạ, chịu đựng gian khổ. Bà Trần Thị Hồng nghẹn lời khi nói về con trai mình: “Biết là con trẻ khổ lắm nhưng tôi chẳng thể làm gì được. Nhà nghèo, cha lại mất sớm nên nó phải bỏ học lên rừng”.
Chuyến đầu tiên trong đời phu trầm, Hiền chỉ giúp anh trai những việc đơn giản như nấu ăn, giặt giũ áo quần. Dần dần, cậu trở thành phu trầm thực thụ, cũng đi tìm kiếm, đào bới... như mọi người.
Thôn Minh Tiến có 167 hộ và gần 900 người. Mỗi người tính ra chỉ có bình quân chưa tới 14 m2 đất trồng lúa và hoa màu. Đây là địa phương có điều kiện sống khắc nghiệt, bốn bề nước mặn, ngay cả nước sinh hoạt cũng phải mua với giá cao. Ruộng vườn ở đây chỉ làm được một vụ trong năm nên không đủ ăn. Nghề nghiệp không có, người dân đành phải vào rừng tìm trầm.
“Nhiều người gọi Minh Tiến là làng lâm tặc cũng đúng vì hơn một nửa dân số ở đây đi tìm trầm, sống nhờ rừng. Từ trẻ học hết lớp 5 cho tới người 60 tuổi, ai cũng có thể đi tìm trầm nên ở làng này, người thất học rất nhiều” - ông Nguyễn Văn La băn khoăn.
Ông La là một trong những người đầu tiên ở thôn Minh Tiến theo nghiệp phu trầm vào những năm cuối thập niên 1970. Giờ đây, 2 con trai và 2 con rể của ông cũng nối nghiệp cha. Nói về người con trai thứ 5 sau 3 năm học ĐH ở TPHCM, mới đây đành bỏ ngang để về quê làm phu trầm, ông La nghẹn ngào: “Hôm về quê, nó quỳ lạy xin lỗi tôi. Tôi chỉ khóc vì biết do gia cảnh quá nghèo, không có tiền trang trải ăn học nên con mình mới theo nghiệp phu trầm”.
Đối mặt giang hồ thảo khấu
Trong đời phu trầm 30 năm của mình, không một khu rừng nào ở Quảng Bình, Quảng Trị mà ông La chưa đặt chân tới. “Làm nghề này may rủi như chơi vé số. Tôi đã đi hàng trăm chuyến nhưng hầu hết đều trở về tay trắng, chỉ đôi ba lần có lời vài triệu đồng. Tính mạng của phu trầm luôn bị đe dọa. Ngoài rắn rít, sốt rét, thiên tai thì mối nguy nhất của phu trầm là bị giang hồ thảo khấu cướp bóc, giết hại” - ông La thổ lộ.
Cách đây 10 năm, khi nhóm ông La gồm 6 người đang dựng lán tại khu vực rừng Thanh Lạng sát biên giới Việt - Lào thì bị một toán cướp 4 tên xông vào khống chế. “Chúng tôi bị trói tay, cởi hết áo quần. Chúng lấy đi tất cả áo quần, chén bát, gạo, tiền...” - ông La rùng mình.
Sau khi trắng tay, cả 6 phu trầm bị đuổi khỏi rừng Thanh Lạng với lời hăm dọa nếu báo với biên phòng sẽ bị truy sát. “Bọn cướp xả súng bắn để dọa nạt. Nhiều người trong nhóm chúng tôi trúng đạn nhưng phải cố chạy thật nhanh để thoát thân” - ông La nhớ lại.
Phu trầm nhí Nguyễn Văn Hiền cũng đã từng gặp cướp. “Chuyến tìm trầm trước Tết vừa rồi, lần đầu tiên em đối mặt với tụi cướp. Nhóm của em 4 người, tụi cướp chỉ 3 tên nhưng lại có súng. Khi gặp nhóm em, chúng bắt trói tất cả rồi lấy đi điện thoại, áo quần, tiền bạc và đồ đạc mang theo. Sau khi bị cướp, tụi em tay trắng nên phải thuê xe về quê” - Hiền kể.
Mới đây, ngày 4-2, khi anh Nguyễn Cao Cường cùng 5 phu trầm khác đang dựng trại tại khu vực rừng Xà Cày, huyện Lệ Thủy thì bất ngờ, 2 tên cướp bịt mặt cầm súng AK xuất hiện. Chúng khống chế 6 phu trầm, cột chặt tay từng người rồi lấy hết tiền bạc, áo quần, chăn màn... và một ít trầm mà nhóm vừa tìm thấy. “Mỗi chuyến đi trầm, chúng tôi chi phí khoảng 5 triệu đồng. Bị cướp sạch, chúng tôi đành phải quay về quê để kiếm tiền chuẩn bị chuyến khác” - anh Cường ngao ngán.
Cường cho biết những tên cướp nêu trên là đàn em của tên Đợt, người Lào. Trước khi vào rừng Xà Cày, nhóm của anh đã “làm luật” cho Đợt 500.000 đồng nhưng đàn em của y vẫn cướp bóc. Theo nhiều phu trầm, Đợt có rất đông đàn em, cả người Việt lẫn người Lào, trang bị “hàng nóng” và đã nổi tiếng tại khu vực Xà Cày trên 20 năm nay. Băng nhóm của Đợt nếu gặp những phu trầm chưa quen biết thì làm rất dữ, buộc “làm luật” với số tiền đậm mới cho đi.
Ngoài tên Đợt, khu vực rừng giáp ranh giữa Quảng Trị, Quảng Bình với tỉnh Savanakhet - Lào còn có rất nhiều băng nhóm cướp bóc. “Chúng trang bị rất nhiều súng, đạn. Đây là những kẻ từng có tiền án, tiền sự, vào tù ra tội hoặc đang trốn lệnh truy nã” - anh Cường cho biết.
Bỏ mạng giữa rừng sâu Căn nhà của phu trầm xấu số Nguyễn Hạnh nằm sát bờ sông Gianh đã 2 năm nay không ngớt tiếng khóc gọi con. Thắp nén hương cho con trai, bà Chút nước mắt lưng tròng kể: “Tháng 10-2010, Hạnh cùng 4 người vào khu vực rừng gần đường 16 ở xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy tìm trầm. Khi 5 đứa đang nghỉ ở lán thì lũ đổ về dữ dội. Cả nhóm nhanh chóng bỏ đồ đạc chạy thoát thân nhưng không may, thằng Hạnh bị cây ngã đè chết tại chỗ”. Bốn người đi cùng biết Hạnh gặp nạn nhưng không thể quay lại ứng cứu vì nước lũ đổ về quá lớn, cây cối lại ngã đầy chặn cả lối đi. Ít ngày sau, khi lũ rút, nhóm phu trầm này cùng với dân làng quay lại mới tìm thấy thi thể anh. “Sau khi Hạnh qua đời, vợ nó phải gửi con cho tôi để vào TPHCM làm thuê kiếm sống. Ở đây, đàn ông có thể vào rừng làm phu trầm nhưng đàn bà thì chỉ có nước đi nơi khác làm thuê” - bà Chút cám cảnh. Cách nhà anh Hạnh không xa, căn nhà của phu trầm Nguyễn Văn Điền cũng quạnh hiu không kém vì vắng bóng đàn ông. Từ ngày chồng qua đời, chị Mai Thị Toan một mình cặm cụi đánh cá, bắt cua nuôi 3 con. Cách đây 4 năm, một ngày giáp Tết, Điền cùng 3 người khác vào rừng tìm trầm. Khoảng 20 ngày sau, khi đang tìm trầm ở khu vực Sa Lỳ 1 thì anh bị lạc. Ba người kia đã chia nhau đi kiếm khắp khu rừng và nhờ các nhóm phu trầm khác cùng truy tìm nhưng đều vô vọng nên đành phải quay về. Một tháng sau, dân làng vào rừng mới phát hiện thi thể Điền đang phân hủy... “Đó là chuyến đi tìm trầm đầu tiên của anh Điền. Vợ chồng làm lụng vất vả quanh năm nhưng Tết đến không có tiền mua sắm áo quần mới cho con, anh quyết đi một chuyến để cầu may, vậy mà...” - chị Toan nghẹn ngào. Giờ đây, mối lo của Toan và cũng là nỗi trăn trở chung của nhiều gia đình nghèo khó ở đây là liệu thế hệ những đứa trẻ như con chị mai này có còn phải nối nghiệp phu trầm của cha ông vì bế tắc kế sinh nhai? Chị Mai Thị Toan bên bàn thờ chồng, phu trầm Nguyễn Văn Điền |