Bi kịch của một người mang án chung thân
“Tôi phải giết chết bà ấy tôi mới được sống”. Bị cáo Đoàn Văn Ẩn (SN 1944) đã lặp đi lặp lại nhiều lần câu nói ấy khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến hành vi dùng dao đâm chết vợ cũ - bà N.T.H.
Họ kết hôn năm 1963, có 6 người con. Do mâu thuẫn vợ chồng gay gắt, năm 1980, họ ly hôn. TAND quận 3 tuyên bà H nuôi con và được lưu cư tại căn nhà của hai vợ chồng, ông Ẩn phải giao nhà cho bà H. Thế nhưng, dù bản án đã có hiệu lực pháp luật, ông Ẩn vẫn không thi hành vì cho rằng bị xử ép và cũng vì không còn nơi chốn nào để đi. Vậy là, họ tiếp tục chung sống bất đắc dĩ dưới một mái nhà.
Mâu thuẫn ngày một trầm trọng khi người này bước chân đi đâu, người kia liền khóa cửa không cho vào, hàng xóm lại một phen náo động bởi cảnh đập cửa, leo rào, “mắng chó chửi mèo” của họ. Dĩ nhiên, bà H đã nhiều lần làm đơn gửi thi hành án quận đề nghị cưỡng chế. Nhưng phần vì ông Ẩn cương quyết “một tấc không đi, một ly không rời”; phần vì ông thường xuyên đau bệnh (lao phổi, cao huyết áp) nên mọi chuyện cứ dùng dằng hết năm này qua năm khác.
Mãi đến đầu năm 2007, cơ quan thi hành án mới thực hiện xong việc cưỡng chế. Ông Ẩn phải về Đắk Lắk sống nhờ người cháu. Ngày 28/4/2007, ông quay về nhà tìm bà H để hỏi xem bà đã bãi nại để ông được vào nhà ở hay chưa. Nhận được câu trả lời “không” rất dứt khoát của bà, ông cầm hai con dao đâm liên tiếp vào người bà H.
Vị chủ tọa hỏi: “Vì sao phải sử dụng đến hai con dao để giết vợ?”, ông thật thà khai: “Vì sức yếu, sợ bà ấy giật dao đâm lại tôi”. “Cáo trạng nêu có đúng với hành vi của bị cáo không?”. “Có. Nhưng cho phép tôi được trình bày...”. Ông kể một thôi một hồi về mâu thuẫn của vợ chồng ông, những o ép mà ông phải chịu cũng như những bất công của bản án ly hôn.
Ông bảo, ông đợi đến ngày hôm nay ra tòa để được nói hết bao uất ức, buồn bực đè nén trong lòng mà ông không thể nói được với ai. Một vị hội thẩm nhân dân hỏi tiếp: “Hôm nay có người con nào của ông đến dự không?”. Ông buồn bã lắc đầu: “Không có. Tụi nó theo mẹ, thương mẹ...”. Ông bỏ lửng câu nói rồi buông một tiếng thở dài. Có vẻ như, ông chẳng dám trông chờ điều gì ở các con.
Từ sau khi nhát dao oan nghiệt giết chết người vợ cũ, sợi dây tình phụ tử vốn đã rất mong manh, yếu ớt cũng không còn. Các con ông hận ông. Dẫu vậy, nhìn đôi mắt kèm nhèm trào ra giọt nước mắt đùng đục, tấm lưng già nua cúi gập xuống, có thể cảm nhận được, dường như ông đang rất mong được các con tha thứ.
Đại diện VKSND nhận định: “Bị cáo sử dụng hai con dao đã chuẩn bị từ trước, đâm liên tiếp hai nhát vào ngực nạn nhân là cố ý tước đoạt sinh mạng của người khác... Đề nghị tử hình...”. Tai tôi ong ong khi nghe lời đề nghị của VKSND. Nhưng ông Ẩn vẫn rất bình tĩnh. Ông bị lãng tai nặng. Vị chủ tọa phải lớn tiếng nhắc đến lần thứ 2: “VKS đề nghị tử hình ông, ông có nghe không?”, ông mới gật đầu, bần thần ngồi xuống ghế.
Luật sư bào chữa nói: “Xuất phát từ nhận thức pháp luật hạn chế, bị cáo luôn cho rằng bị xử ép trong bản án ly hôn rồi bất mãn. Tiếc là các cơ quan thi hành án, chính quyền địa phương đã không giải thích cặn kẽ, động viên kịp thời. Thêm vào đó, do vợ chồng không còn tình cảm, con cái theo mẹ nên bị cáo luôn cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi, bị hắt hủi... Cứ thế, tình cảm tiêu cực ấy âm ỉ, nung nấu để rồi bùng phát khi gặp thêm một điều bất như ý...”.
HĐXX tuyên án chung thân. Ông run rẩy tra tay vào còng. Nhìn dáng ông bước đi xiêu vẹo trong bộ đồ pyjama cũ kỹ, tôi tự hỏi, chẳng biết ông thi hành bản án được bao năm với tuổi già và đủ thứ bệnh tật trên người như thế?
Chợt nhớ đến câu danh ngôn: “Trên thế giới, bạn có thể tìm ra tất cả để thay thế tất cả, trừ người bố và người mẹ của mình”. Mong sao những người con của ông hiểu ra điều đó, tha thứ cho cha, trước khi quá muộn...
Theo Tố Trâm
Người Lao Động