Hà Nội:
Bi hài xe “hành” khách nghỉ Quốc giỗ
(Dân trí) - Chèn ép, xô đẩy, nhốn nháo; người đuổi theo xe, xe nhồi người; choáng váng, khốn khổ và buộc phải hủy bỏ chuyến đi… Đó là bức tranh toàn cảnh tại bến xe phía Nam trong dịp nghỉ Quốc giỗ 10/3.
Có mặt tại bến xe phía Nam (Bến xe Giáp Bát) trong những ngày này, PV Dân trí đã tận mắt chứng kiến và ghi nhận những câu chuyện thường kỳ về “nhà xe và hành khách” dở khóc dở cười.
Người đuổi theo… xe
“Không khí” ngày Quốc giỗ thực sự “sôi nổi” ở bến xe Giáp Bát từ chiều 3/4. Hàng trăm chuyến xe chuyển bánh đi các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… đã chật cứng người nhưng trong bến hàng nghìn hành khách vẫn đang chờ “được” lên xe về quê nghỉ lễ.
Bạn Trần Hoài Nam (SV trường Học viện An ninh) sốt ruột: “Em về Nam Định nhưng chờ hơn nửa tiếng rồi mà vẫn chưa có xe, những chuyến trước bắt được thì xe nào cũng đã chật cứng người…”.
Hành khách "dài cổ" đợi xe trong bến.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Thành (quê Thanh Hóa) vừa thở vừa nói: “Tôi đợi xe từ 8h sáng mà vẫn chưa về được. Ngày lễ nên xe nào cũng chật chứng người, mình phải tự tìm xe, tìm chỗ không thì người khác nhanh chân hơn sẽ bước lên xe trước mình mất”.
Trong bến, chốc chốc lại có xe đi các tỉnh xuất phát. Sau nhiều nỗ lực “rượt đuổi” thì nhiều người cũng “kiếm” được 1 chỗ trên xe. Theo quan sát của chúng tôi, người mua vé xe ở bến hay người bắt xe tự do đều giống nhau, thậm chí nhà xe còn rất “ưu tiên” khách tự do hơn vì những vị khách này có giá “đắt” hơn.
Phải rượt đuổi, xô đẩy mới lên được xe.
Chị Phương (quê ở Ninh Bình) bức xúc: “Rõ ràng mình mua vé của bến xe, có vé có số cầm trong tay mà có lên xe trước đâu, càng không được chọn chỗ ngồi. Còn nhiều người bắt xe, không có vé thì lại được nhà xe “dồn” lên trước. Chen mãi không được, bực quá nên tôi bỏ chuyến luôn, đợi bắt chuyến khác vậy”.
Trong bến “cháy” xe, ngoài đường “ế” xe dù
Trước tình hình trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Xí nghiệp quản lý Bến xe phía Nam.
Trả lời về việc hành khách phải vất vả đợi xe ở trong bến, ông Thành cho hay: “Năm nay ngày Quốc giỗ trùng vào 2 ngày cuối tuần nên lưu lượng khách vào bến tăng đột xuất. Chiều 3/4, từ lúc 17h30, lượng khách thì quá lớn trong khi bến không có đủ xe để vận tải nên Ban quản lý phải điều xe đường dài đến để giải tỏa hành khách.
Về vấn đề thu phí thì thường ra khỏi bến rồi các chủ xe mới thu tiền nên chúng tôi khó quản lý. Chúng tôi khuyến cáo hành khách nên mua vé xe trong bến để đảm bảo quyền lợi của mình và giúp chúng tôi quản lý các xe”.
Bến cóc, xe dù... "nhộn nhạo" ngoài bến Giáp Bát.
Trong bến thì chèn ép, xô đẩy, nhốn nháo; người đuổi theo xe, xe nhồi người; choáng váng, khốn khổ và buộc phải hủy bỏ chuyến đi… nhưng ra khỏi cổng bến thì sự hoạt động “nhộn nhạo” của xe dù, bến cóc cũng không kém phần “long trọng”.
Bên ngoài bến xe Giáp Bát, lực lượng Thanh tra giao thông luôn luôn có mặt để làm nhiệm vụ. Thế nhưng, “đội ngũ” xe dù vẫn ngang nhiên “cắp” khách ở bến cóc. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này thì một cán bộ Thanh tra giao thông làm nhiệm vụ tại đây cho biết: “Xe toàn đỗ sau lưng mình…”.
Châu Như Quỳnh