1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bi hài chuyện nhà văn mất trộm

Xưa nay nhà văn thường được gắn với danh hiệu “hàn sĩ”, nhưng ít người biết rằng có những nhà văn tích lũy được tiền tỷ trong nhà, chỉ đến khi bị trộm đột nhập và nẫng đi số tài sản lớn thì bí mật đó mới được hé lộ.


Nhà văn Chu Lai

Nhà văn Chu Lai

Thế nhưng, cũng chỉ có những tên trộm mới tưởng tượng nhà văn là triệu phú và cất công rình mò, trèo tường phá khóa rồi hí hửng vác đi một đống quần áo cùng mấy cuốn sổ ghi chép không thể mang đi đâu mà “tiêu thụ” được.

Ngôi nhà bị “dớp” kẻ trộm hỏi thăm

Nhà văn Chu Lai cùng vợ là nhà văn Vũ Thị Hồng được quân đội phân cho căn hộ tập thể trên “phố nhà binh” Lý Nam Đế, không hiểu có phải vì ở ngay sát đoạn đường tàu chạy về phía ga Long Biên, địa thế thuận lợi cho kẻ trộm đột nhập hay không mà đã nhiều lần ngôi nhà bị quân đào tường khoét ngạch ghé thăm.

Những lần bị mất trộm lặt vặt như vài bộ quần áo, chiếc quạt tai voi cũ hay mắm muối, gạo, dầu thì khó thống kê hết được. Chỉ “đau” nhất là lần sắp tổ chức đám cưới cho cậu con trai duy nhất thì bị kẻ trộm phá cửa tầng thượng vào cuỗm sạch cả tiền bạc lẫn quà cưới định tặng con.

Lần đó, nhà văn Chu Lai lên trại sáng tác Đại Lải “ở ẩn” gần một tháng để hoàn thành cuốn tiểu thuyết dày tới 800 trang và một kịch bản sân khấu với nhan đề "Nước mắt của cây". Cũng trong thời gian đó, nhà văn - đại tá Vũ Thị Hồng (giữ vai trò Trưởng ban Phụ nữ Quân đội) lại đi công tác ở các địa phương, còn cậu con trai là một phóng viên trẻ của Báo Quân đội nhân dân xách ba lô lên đường làm việc ở các đơn vị...

Tên trộm tinh ranh đã chọn được đúng thời điểm cả nhà đi vắng, ung dung trèo lên tầng thượng phá khóa lẻn xuống dưới nhà khuân hết những thứ có giá trị. Khi trở về, nhà văn Chu Lai mở cửa chính bước vào, nhìn căn nhà trống hoác (chỉ còn lại những đồ gỗ to nặng cồng kềnh) với nỗi sửng sốt tột cùng.

Toàn bộ số tiền tiết kiệm mấy năm lương của hai đại tá cùng nhiều đồ vật quý giá khác được dành dụm để chuẩn bị làm đám cưới cho con trai đã không cánh mà bay. Xót xa nhất là nhà văn Vũ Thị Hồng, bởi trong số đồ đạc bị mất trộm có những món trang sức chứa đựng bao nhiêu tình cảm và kỷ niệm đẹp trong mấy chục năm chung sống của hai vợ chồng.

Một vụ mất trộm khác từng xảy ra trước đó khoảng chục năm, nhà văn Chu Lai bị lấy mất chiếc xe máy Suzuki 125 phân khối. Chiếc xe này từng là niềm kiêu hãnh, tự hào khi ông “một mình một ngựa” rong ruổi khắp miền núi cho đến đồng bằng thâm nhập thực tế sáng tác, nhiều tác phẩm gây được tiếng vang đã ra đời trên lưng con “chiến mã” đặc biệt ấy.

Bởi quá gắn bó, thân thiết với nhau trên mọi nẻo đường nên khi bị mất xe, nhà văn như người mất hồn, không còn thiết đến điều gì nữa, lúc nào cũng chỉ sục sôi một suy nghĩ phải tìm bằng được xe về. Gần một năm ngơ ngẩn vì tiếc nhớ, đến lúc tưởng rằng hết hi vọng thì nhà văn nhận được tin báo của công an là đã tìm thấy xe của ông.

Vội vã bắt xe ôm đến đồn công an, vừa nhìn thấy chiếc xe thân yêu của mình, nhà văn lao ngay vào sờ nắn, sau một hồi ngó nghiêng từng chi tiết không thấy suy suyển một con ốc, ông mới sung sướng ôm chầm lấy anh công an rối rít cảm ơn. Niềm vui tìm lại được người bạn đường quá lớn, về nhà ông ngồi viết một mạch cái truyện ngắn kể về vụ mất xe rồi lại thấy xe huyền diệu như thế nào.


Nhà văn Ma Văn Kháng

Nhà văn Ma Văn Kháng

Bị trộm “nẫng” mất cả bệnh tật và... cái chết

Khi biết mình bị mắc bệnh tim và phải phẫu thuật đặt ba đoạn sten (ống đỡ động mạch), nhà văn Ma Văn Kháng luôn sống trong tâm thế sẵn sàng đón nhận kết quả xấu nhất xảy ra bất cứ lúc nào. Sau phẫu thuật, trái tim phải chung sống với các loại thuốc, còn bản thân nhà văn cũng phải tập thói quen nghe chính nhịp tim mình.

Với bản tính cẩn thận, chu đáo, nhà văn chuẩn bị sẵn cho mình hai chiếc ba lô: một chiếc đựng đầy đủ thuốc, giấy tờ tùy thân, thẻ bảo hiểm, bệnh án đề phòng trường hợp đến bệnh viện khẩn cấp, người nhà chỉ việc xách theo xe cứu thương; chiếc còn lại đựng bộ quần áo mới, những cuốn sổ ghi chép, những dặn dò dành cho người… ở lại, nếu chẳng may nhà văn phải ra đi mãi mãi.

Nhưng một đêm nọ, có tên trộm đột nhập qua đường cửa sổ đã khoắng gọn cả hai chiếc ba lô. Mất hết giấy tờ, thuốc men dự phòng, nhà văn buồn rầu mất mấy ngày nhưng không dám kể với ai, cũng không đi báo công an.

Chẳng lẽ lại báo mất hết đồ đạc, giấy tờ dành cho… hậu sự. Mãi đến lúc con cháu biết chuyện mới ha hả cười, động viên ông: “Thôi, ông tiếc làm gì. Thằng trộm lấy hết những thứ đó là nó mang đi cho ông cả bệnh tật và cái chết rồi đấy! Thế là may. Từ nay ông cứ yên tâm mà sống vui, sống khỏe…”.

Có thể đúng là may thật, bởi sau đó với trái tim mỗi ngày một khỏe mạnh, nhà văn Ma Văn Kháng đã viết tiếp hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương”, hai cuốn tiểu thuyết, in thêm vài tập truyện ngắn được bạn đọc đón nhận rất nồng nhiệt và được trao nhiều giải thưởng văn học của trung ương.

Theo Phong Lan
An ninh Thủ đô