Bi hài các kiểu “xử án” của người J’rai
(Dân trí) - Để người bị hại có thể khỏi bệnh hay thoát nạn, để xóa tội cho người gây án, người J’rai dùng cách giết trâu, bò, heo… để cúng Yàng rồi sau đó là cả làng kéo nhau… đi nhậu.
Được mọi người khuyên can, anh Bóp được đưa đến trạm y tế của xã khâu vết thương trên trán. Sau đó anh được chuyển luôn về nhà “điều trị” tiếp bằng cách… cúng Yàng.
Cách đó chừng nửa tháng, tại làng Típ cũng vừa xảy ra một vụ án hiếp dâm. Lợi dụng lúc chị Nh. (30 tuổi, đã có chồng và 2 con) đang ở lều trên rẫy lúa một mình, ông Rơ Châm Tim (53 tuổi, cũng đã có vợ và 5 đứa con) lẻn vào trong lều của chị, xô chị ngã xuống đất, trói tay chân chị vào cột và giở trò đồi bại.
Gia đình chị Nh. sau đó đã báo cáo sự việc lên già làng. Đáng lẽ ông Tim sẽ bị làng trói lại và đánh cho đến chết, nhưng già làng Rơ Châm Rước xét thấy làng mình từng làm cách mạng, chỉ đánh giặc chứ không đánh bà con trong làng nên sau một hồi suy nghĩ, già đưa ra quyết định: Để xóa tội cho mình, ông Tim phải đền cho gia đình chị Nh. 4 triệu tiền mặt và phải mang nộp một con heo, một con dê, một ghè rượu cho cả họ hàng trong làng đến nhậu.
Còn vụ án 8 thanh niên làng Tơ Ver sang làng Broch, xã Iakhươl, huyện Chư Păh, đánh bị thương hai anh em Rơ Châm Hảo và Rơ Châm Hèn phải nhập viện cũng được già làng, Bí thư chi bộ làng, công an viên xét xử theo… “luật làng”: 8 thanh niên này phải đền tiền viện và thuốc thang cho anh Hảo và anh Hèn, phải nộp phạt một con heo trị giá 1,5 triệu, 4 ghè rượu, mang đến nhà anh Hảo để cùng nhậu với họ hàng nhà anh Hảo. Tất nhiên bữa nhậu không thể vắng mặt “hội đồng xét xử”.
Sau buổi nhậu này, mọi tội lỗi của 8 thanh niên gây ra sẽ được xóa bỏ, hai bên trở lại làm bạn của nhau.
Với những người J’rai, Bahnar, Xê Đăng… trên mảnh đất Gia Lai, tuy đã được Nhà nước và chính quyền sở tại tuyên truyền vận động nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều hủ tục. Những vụ án trên được xem là “nhẹ” nên cũng đã được xét xử theo kiểu “tiến bộ” hơn. Còn những vụ nặng sẽ áp các “luật” nặng hơn như đi trên lửa, đổ dầu vào tay, ai không bị bỏng tức là người đó thắng hoặc vô tội. Những “phiên tòa” hủ tục đó đang diễn ra khắp những vùng sâu, vùng xa trên mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên.
Thiên Thư