1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

Bị ép làm bản kiểm điểm vì… chống tiêu cực

(Dân trí) - Vì chống tiêu cực, bà Nguyễn Thị Hồng Lam, hiện là điều dưỡng làm việc tại khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị, liên tục bị Phòng Tổ chức cán bộ của đơn vị này “thúc ép” làm bản kiểm điểm cá nhân.

Bị ép làm bản kiểm điểm vì… chống tiêu cực - 1
Ba công văn của Văn phòng Chính phủ chỉ đạo giải quyết vụ việc.

Trước “sức ép” đó bà Lam đã phải gửi đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng...

Ngày 19/3/2009, rất nhiều cán bộ Bệnh viện Hữu Nghị “bất ngờ” trước một thông báo lạ khi bà Đào Thị Hằng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ ban hành văn bản số 33/TC/HN gửi Khoa Chống nhiễm khuẩn và bà Nguyễn Thị Hồng Lam phải làm bản kiểm điểm vì đã: “Gửi đơn thư vượt cấp mang dụng ý cá nhân, gây tổn hại đến uy tín của Bệnh viện; Sử dụng và phát tán tài liệu kiểm toán tài chính bệnh viện Hữu Nghị...”.

Công văn trên ngay lập tức vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của bà Lam, bởi Điều 57, Luật Khiếu nại tố cáo nêu rõ “Người tố cáo có các quyền gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền...”.

Mặt khác, mong muốn của bà Lam trong việc tố cáo một số tiêu cực tại đơn vị này nhằm làm bệnh viện ngày một tốt hơn chứ không thể gọi là làm mất uy tín của bệnh viện.

Mặt khác, biên bản kiểm toán báo cáo tài chính năm 2005 của bệnh viện Hữu Nghị không có dấu “tài liệu mật” hay dấu “lưu hành nội bộ”. Do vậy, không thể “quy chụp” việc bà Lam phát tán tài liệu kiểm toán trên là vi phạm pháp luật, buộc phải làm bản kiểm điểm.

Trước đó, khoa Chống nhiễm khuẩn đã tổ chức họp và đưa ra quan điểm: “Việc chị Nguyễn Thị Hồng Lam có đơn thư khiếu kiện, tố cáo không liên quan gì đến khoa Chống nhiễm khuẩn; Trong quá trình làm việc tại khoa, chị Lam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có quan hệ tốt với anh chị em trong khoa...”.

Trong đơn kêu cứu gửi đến Dân trí, bà Lam cho biết: “Tại bệnh viện tôi luôn bị đối xử bất công như bị trừ tiền thưởng cuối tháng trong đúng một năm, bị cắt lao động tiên tiến 2 năm. Cầm trong tay bằng đại học nhưng công việc chính hàng ngày là cắt bông gạc và hấp sấy dụng cụ. Chưa hết, bản thân tôi luôn bị thúc ép làm bản kiểm điểm về các vấn đề khiếu nại, tố cáo cũng như các hình thức kỷ luật tôi”.

Được biết, xung quanh nội dung đơn của bà Lam, liên tiếp trong 3 năm 2007, 2008 và 2009, Văn Phòng Chính phủ đều có công văn gửi Bộ Y tế yêu cầu giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo của bà Lam.

Lần gần đây nhất, ngày 19/1/2009, Công văn số 445/VPCP-KNTN của Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Nguyễn Xuân Phúc ký nêu rõ: “Bộ Y tế khẩn trương xử lý, giải quyết dứt điểm các tồn tại, thiếu sót tại Bệnh viện Hữu Nghị để bệnh viện thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ”.

Vũ Văn Tiến