1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Bị cán bộ hành chính sách nhiễu, hãy báo về Văn phòng Chính phủ”

Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan kêu gọi doanh nghiệp và người dân mạnh dạn thông báo về Văn phòng Chính phủ những cán bộ, cơ quan hành chính sách nhiễu, ban hành văn bản gây phiền hà cản trở người dân và doanh nghiệp.

Thưa ông, không lẽ Văn phòng Chính phủ (VPCP) giải quyết tất cả các vướng mắc về hành chính?

 

Theo nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại Quyết định số 22/2006, chúng tôi tiếp nhận và xử lý vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Với những vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, UBND các tỉnh, thành phố, chúng tôi cũng vẫn tiếp nhận, sau đó sẽ yêu cầu, đôn đốc các cơ quan này xử lý dứt điểm, kịp thời đúng thời hạn, đúng thẩm quyền các kiến nghị, vướng mắc.

 

VPCP được giao nhiệm vụ phát hiện, trực tiếp làm việc, yêu cầu hủy bỏ các thủ tục hành chính do cơ quan quản lý, cán bộ, công chức tùy tiện đặt ra, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, sẽ rất tốt nếu chúng tôi nhận được các kiến nghị, kể cả hiến kế về thái độ hành xử của cán bộ, cơ quan hành chính cũng như các thủ tục hành chính.

 

Nhưng mới đây, chính VPCP cũng thừa nhận là “không ít trường hợp người dân và doanh nghiệp còn e ngại không nêu cụ thể tên cơ quan, tên cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà”. Họ sợ bị trù dập?

 

Điều này có thể xuất phát từ nhận thức của người dân và do họ chưa biết đến chúng tôi. Nếu phát hiện thủ tục hành chính không phù hợp, các văn bản, thủ tục hành chính do cơ quan, công chức tùy tiện đặt ra và thái độ giải quyết, phục vụ, thời hạn giải quyết còn chậm trễ... người dân, doanh nghiệp đều có quyền phản ánh lên chúng tôi, qua hai địa chỉ: Vụ Cải cách hành chính (CCHC) của VPCP và website Chính phủ (www.chinhphu.vn).

 

Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ, công chức hành dân nhưng tình trạng “hành” còn nhiều mà “xử” chưa được bao nhiêu...

 

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, chúng tôi đều nêu cụ thể ai làm tốt, ai chưa làm được. Trong năm qua, chúng tôi đã tiếp nhận và xử lý 132 phản ánh, kiến nghị. Sau khi báo cáo Thủ tướng và được Thủ tướng chỉ đạo, nhiều bộ, ngành địa phương đã xử lý cán bộ, kịp thời chấn chỉnh.

 

Chẳng hạn, Bộ GT-VT đã bãi bỏ thủ tục mua lệ phí sân bay đối với các chuyến bay quốc tế. Việc làm này đã cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

 

Riêng Bộ Công an đã có hàng loạt chấn chỉnh như: bỏ máy bắn tốc độ không có ghi hình; chấn chỉnh văn hóa ứng xử của cảnh sát giao thông đối với người vi phạm; nghiêm cấm núp ở các điểm khuất khi tuần tra, kiểm soát giao thông; bãi bỏ quy định mỗi người chỉ được đăng ký một xe mô tô; ban hành thông tư mới loại bỏ 11 loại giấy tờ không cần thiết về cấp biển số phương tiện cơ giới đường bộ...

 

Qua đó, không chỉ giảm thời gian, thủ tục cho dân mà còn góp phần cải thiện hình ảnh cán bộ, công chức trong mắt người dân, doanh nghiệp.

 

VPCP xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của CCHC năm nay là cải thiện mối quan hệ giữa người dân với cán bộ, công chức...

 

Đây không phải là nhiệm vụ của riêng VPCP. Chưa bao giờ Thủ tướng quan tâm đến CCHC như thời gian gần đây. Mới đây, Thủ tướng vừa ký Quyết định số 30/2007 phê duyệt đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010. Trong đó đã nêu rất đầy đủ thực trạng, nhiệm vụ và các giải pháp CCHC.

 

Giải pháp quan trọng của CCHC là thủ tục hành chính. Cốt lõi của thủ tục hành chính chính là để giải quyết, cải thiện mối quan hệ giữa dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước. Cả ba nhiệm vụ, giải pháp này phải được tiến hành đồng thời.

 

Nhưng làm tốt khâu giảm thủ tục hành chính thì không chỉ góp phần tạo chuyển biến trong CCHC mà còn cải thiện hình ảnh của cán bộ, công chức. Người dân và doanh nghiệp không ai vui vẻ gì khi phải đáp ứng hàng loạt thủ tục rườm rà, kéo dài. Thủ tướng cũng đã nhiều lần yêu cầu chấn chỉnh để chúng ta thực sự có một nền hành chính vì dân.

 

Ông có thể cho biết cụ thể hơn các giải pháp thực hiện trong năm nay để cải thiện mối quan hệ ấy?

 

Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng quy định, quy chế làm việc của cơ quan hành chính, về quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức, trong đó có quy định về tác phong, thái độ làm việc của những cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc, làm việc với dân và doanh nghiệp.

 

Thực hiện tốt các văn bản, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, tạo chuyển căn bản trong CCHC, tạo dựng hình ảnh, mối quan hệ tốt đẹp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước.

 

Bên cạnh đó, một trong những biện pháp là các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường đối thoại với dân và doanh nghiệp. Ngày 9/2, Thủ tướng sẽ đối thoại trực tuyến với người dân, doanh nghiệp trong cả nước.

 

Riêng TPHCM trong năm qua, UBND TP đã thực hiện khá tốt giải pháp này khi đã 5 lần tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trên hai lĩnh vực bức xúc là thuế và hải quan. Nội dung các câu hỏi và trả lời đã được tập hợp thành văn bản và cung cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu tham khảo.

 

Thành phố cũng đã xây dựng hệ thống đối thoại doanh nghiệp với hơn 1.000 tổ chức thành viên. Mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã giao lưu trực tuyến với người dân...

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Nam Quốc

Sài Gòn Giải Phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm