1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bí ẩn làng nghề 'rèn dao bằng mắt' nơi miền sơn cước

Những ngôi nhà nằm sát dưới chân núi của xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) đều là các lò rèn. Hàng trăm năm nay, các ngôi nhà này đang giữ một bí kíp độc đáo về nghề rèn, hiếm nơi nào có được.

Khám phá làng rèn Phúc Sen

Trong chuyến đi công tác về các huyện miền núi của tỉnh Cao Bằng, chúng tôi tình cờ được người dân giới thiệu về kỹ thuật rèn dao, búa… gia truyền của đồng bào dân tộc Nùng An.

Vượt chặng đường chừng 30km, theo quốc lộ 3 hướng đi cửa khẩu Tà Lùng, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến các làng rèn của xã Phúc Sen. Khi đến nơi, điều ngạc nhiên chính là những âm thanh dồn dập được phát ra từ các lò rèn. Để thỏa chí tò mò, chúng tôi đã tạt vào một lò rèn nằm ở ven đường tìm hiểu.

Khi hỏi chuyện chúng tôi mới biết lò rèn này là của gia đình ông Lương Văn Pờ (56 tuổi), vợ là bà Lương Thị Thìn (53 tuổi), đều là người Nùng An. Theo ông Pờ, làng Tình Đông có 21 hộ dân, chỉ có một hộ là không làm nghề rèn. Do người dân không có ruộng nên bà con chỉ dựa vào nghề rèn để mưu sinh.

Ông Lương Văn Pờ kể chuyện rèn dao, búa bằng mắt cùng phóng viên.
Ông Lương Văn Pờ kể chuyện rèn dao, búa bằng mắt cùng phóng viên.

Ông Pờ chia sẻ: "Công việc rèn dao búa vất vả lắm, cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Dù có vất vả nặng nhọc nhưng chúng tôi vẫn gắn bó với nghề. Bây giờ nếu bỏ nghề thì dân làng cũng chẳng biết làm gì để mưu sinh. Ở đây không riêng gì làng tôi mà các làng Chang Trên, Chang Dưới họ cũng làm nghề này".

Dù nặng nhọc, vất vả nhưng hằng ngày ông Pờ vẫn miệt mài rèn giũa để tạo ra những chiếc dao, búa cho bà con dân bản. Ông Pờ nối nghiệp nghề rèn của gia đình từ năm 13 tuổi. Đối với ông, yếu tố quan trọng nhất chính là đôi mắt, cộng với sự linh hoạt trong quá trình tạo hình sản phẩm.

Theo ông Pờ, trong làng không chỉ có đàn ông rèn dao, búa… mà ngay cả phụ nữ cũng làm công việc nặng nhọc này. Hằng ngày bà Thìn vợ ông Pờ dậy từ rất sớm để chuẩn bị lên lửa cho lò nung. Khi lò đã đỏ lửa ông Pờ sẽ đưa phôi thép vào lò để tạo hình cho sản phẩm. Sau khi tạo hình xong, hai vợ chồng sẽ dùng búa để đập.

Có lẽ không nơi nào lại có phụ nữ dẻo dai và khỏe mạnh như ở Phúc Sen. Tưởng chừng những công việc này chỉ dành riêng cho đấng mày râu, nhưng những người phụ nữ ở làng rèn họ vẫn đập từng nhát búa rất uyển chuyển, chắc chắn. Nhờ vào bàn tay mềm mại của người phụ nữ nên các sản phẩm của làng rèn mới thể hiện sự hài hòa, tinh tế.

Nói về ông tổ của nghề rèn, ông Pờ cho biết: "Theo các cụ cao niên ở trong làng kể, xưa kia ở vùng núi này đất đá khô cằn nên chẳng trồng được cây gì. Đồng bào chỉ đi săn bắn hái lượm, ăn rau rừng nên cái đói, nghèo cứ bám riết. Một hôm có một cụ ông đầu tóc bùm sùm, khắc khổ nhưng lại rất tinh tường về kỹ thuật rèn dao, búa... Ông thấy người dân lam lũ nên mới truyền lại nghề".

Kể từ đó đất Phúc Sen mới hình thành làng nghề. Nhờ có nghề rèn của ông cha nên cuộc sống của đồng bào mới sung túc. Các sản phẩm của làng rèn được bà con ở trong vùng rất ưa chuộng. Có người còn ví von nói rằng, dao của Phúc Sen chặt vào cây, cây ngã rầm rầm, đụng vào đất đá, đất đá bật tung lên.

Có được danh tiếng này là do các nghệ nhân ở trong làng giữ được cái tâm và gắn bó với làng nghề. Vì thế nên các sản phẩm của làng nghề vừa mang vẻ đẹp trí tuệ lẫn vẻ đẹp tâm hồn. Các nghệ nhân phải dùng chân, tay, sức khỏe, cảm nhận của đôi tai và khả năng tư duy để vận dụng vào đôi mắt. Bởi mắt chính là "nhãn thần" để điều chỉnh nhiệt độ của lò nung, tránh các tia lửa phát quang gây hại sức khỏe.

Ở Phúc Sen không chỉ có đàn ông mà phụ nữ cũng tham gia vào công việc nặng nhọc này.
Ở Phúc Sen không chỉ có đàn ông mà phụ nữ cũng tham gia vào công việc nặng nhọc này.

Kỳ bí kỹ thuật rèn dao, búa bằng mắt

Để khám phá những nét độc đáo trong quá trình rèn dao bằng mắt, chúng tôi còn đi sâu vào các lò rèn ở làng Chang Trên. Theo con đường nhỏ dẫn vào làng, đâu đâu cũng có các lò rèn, tiếng búa đập lên đe vẫn kêu chan chát.

Theo lời chỉ dẫn của một số người ở trong làng, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Nông Minh Nhật, một cao niên đã gắn bó với nghề rèn của người Nùng An từ nhiều năm nay. Tuy không còn trực tiếp làm nghề, nhưng hằng ngày ông Nhật vẫn truyền lại các kỹ thuật cùng những bí kíp rèn dao cho con cháu.

Ông Nhật cho biết: "Phúc Sen có 10 xóm trong đó có 6 xóm làm nghề rèn. Với cách rèn dao ở đây thì không có vùng nào bắt chước được. Xưa kia chúng tôi phải mua dao ở bên ngoài mang về dùng, ngày nay nhờ có công nghệ và kỹ thuật rèn nên sản phẩm của Phúc Sen đã xuất đi nhiều tỉnh, kể cả sang Trung Quốc".

Theo ông Nhật, hiện trong xã có tới 158 lò rèn, với hơn 300 thợ. Đồng bào nơi đây họ vẫn duy trì cách rèn dao búa bằng than củi. Vì dùng bằng than củi rất dễ để điều chỉnh nhiệt độ của lò nung. Nhờ vào đôi mắt tỏ tường của mình, người thợ có thể xác định được độ chín của sản phẩm để kịp nhúng vào nồi nước tôi ngay bên cạnh, đây chính là giai đoạn quyết định đến chất lượng của sản phẩm sau này.

Trong các làng rèn, nguyên liệu chính là phôi thép. Đồng bào nơi đây họ thường thu mua lá nhíp của ôtô để làm nguyên liệu. Nguyên liệu bền, chắc và cứng nhất vẫn là lá nhíp của xe U-oát. Sau khi có nguyên liệu họ sẽ cho vào lò nung để tạo hình sản phẩm. Đây là giai đoạn quan trọng và chỉ có người thợ cả mới cảm nhận được, bởi mắt nhìn không chuẩn thì sản phẩm sẽ bị dẻo do nung còn non hoặc giòn do nung quá già.

Các sản phẩm ở xã Phúc Sen nhìn bề ngoài không có độ bóng bẩy nhưng nói về độ bền thì hiếm nơi nào có được. Ông Nông Văn Hiệp người đã rèn ra hàng nghìn sản phẩm trong suốt 50 năm qua cho biết: "Gia đình tôi làm nghề từ bao đời nay, nhưng chưa bao giờ thuê mướn nhân công. Các cụ có dạy, làm dao phải gia truyền thì mới bền lâu. Bởi vậy nên hàng chục năm nay gia đình tôi vẫn duy trì cách làm ăn này".

Sản phẩm dao, búa… của người Nùng An ở Phúc Sen trở thành một thương hiệu nức tiếng.
Sản phẩm dao, búa… của người Nùng An ở Phúc Sen trở thành một thương hiệu nức tiếng.

Theo ông Hiệp, với cách rèn dao của người Kinh họ sẽ hình thành phần chuôi trước rồi mới đến phần lưỡi. Tuy nhiên người Nùng An thì ngược lại, khi nào rèn phần lưỡi ưng ý thì họ mới trau chuốt đến phần chuôi. Người Nùng An quan niệm, hình dáng của dao không quan trọng mà quan trọng là ở chất lượng sản phẩm. Hình dáng thì có thể sửa đổi được nhưng độ sắc thì chỉ rèn được một lần.

Cũng theo ông Hiệp, để học được nghề rèn, người thợ phải có sức khỏe, có cảm nhận tinh tế của đôi tai. Người ta ví nghề rèn là tổng hợp của tất cả mọi giác quan. Họ phải dùng tay, dùng sức, sự cảm nhận, đặc biệt là sự nhạy bén của đôi mắt. Quan trọng nhất là người học nghề phải có cái tâm thì dao mới bền và sắc. Có người học chỉ một tháng, nhưng cũng có người học 5 năm, 10 năm cũng không thành.

Trung bình mỗi một sản phẩm ở làng nghề sẽ có giá từ 20 đến 200 nghìn đồng, tùy vào chủng loại và kích cỡ. Công việc rèn dao, búa… của người Nùng An được diễn ra suốt bốn mùa trong năm. Vào mùa đông lạnh giá, việc rèn dao búa trở nên đông vui, đoàn kết và ấm cúng hơn các mùa còn lại.

Theo Trưởng thôn Nông Văn Thái xóm Tình Đông cho biết, hiện các sản phẩm của làng rèn Phúc Sen được bà con nhân dân ở trong tỉnh cũng như ở ngoài tỉnh rất ưa chuộng. Vào những dịp cuối năm công việc rèn dao búa ở của các lò rèn trở nên bận rộn hơn vì có rất nhiều đơn đặt hàng từ Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Nội, Nghệ An... Hiện, các làng rèn đang góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Bên cạnh đó nó còn là nét truyền thống của dân tộc Nùng An.

Có thể nói rằng, các sản phẩm của làng rèn không chỉ là những sản phẩm dùng cho cuộc sống thường ngày mà nó đã trở thành một sản phẩm văn hóa phi vật thể của dân tộc. Sờ vào các sản phẩm cho ta có cảm giác trơn lạnh. Chính vì thế nên các sản phẩm nơi đây đã trở thành một thương hiệu nức tiếng của xã Phúc Sen.

Theo Cảnh sát toàn cầu