1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bí ẩn “đồi đốt xác”

(Dân trí) - Xưa kia, ở xã Vạn Xuân, Thường Xuân (Thanh Hóa) từng có một phong tục hỏa táng người chết. Xác chết được đốt trên một quả đồi, quả đồi ấy được gọi là “đồi đốt xác”.

Theo lời những người già kể lại, chúng tôi tìm về xã Vạn Xuân, nơi đã từng tồn tại một tục lệ hỏa táng người chết khá kỳ lạ. Quả đồi được gọi là “đồi đốt xác” nằm khuất giữa những quả đồi khác lớn hơn, cây cối mọc um tùm. Trước kia, nơi đây rất ít người qua lại.
 
Bí ẩn “đồi đốt xác” - 1
Chiếc quan tài này, khi xưa dùng để cho xác người chết vào và tiến hành đốt,
nay nhiều gia đình đã chuẩn bị trước cho việc hậu sự của mình
 
Theo hướng dẫn của người dân bản địa, chúng tôi tìm đến một già làng, ông Cầm Bá Lục. Ông Lục năm nay tuy đã 85 tuổi nhưng vẫn còn khá minh mẫn, quắc thước. Ông Lục vốn là một giáo viên về hưu, là người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử quê hương, trong đó có dòng họ Cầm Bá - một dòng họ có quyền lực nhất vùng.
 
Theo lời ông Lục, từ ngàn xưa, theo phong tục của người Thái Trắng ở địa phương, người chết không chôn cất theo cách địa táng thông thường mà được đốt xác. Tuy nhiên do việc phong tục đốt xác rất tốn kém nên chỉ tồn tại ở dòng họ Cầm Bá và cũng chỉ có nam giới khi chết mới được đốt xác, còn nữ giới thì được chôn cất bình thường. Theo tiếng Thái, “đồi đốt xác” gọi là Pú Pen (tức là nghĩa địa).
 
Bí ẩn “đồi đốt xác” - 2
Các già làng kể chuyện về đồi đốt xác

Khi một người nam giới chết, anh em họ hàng và hàng xóm láng giềng đến chia buồn, làm ma chay. Xác người chết được khâm liệm vào một chiếc quan tài gỗ đục từ thân cây rồi được đưa lên "đồi đốt xác", để trên một cái khung dựng bằng 6 cây cọc to. Bên dưới khung chất đầy 2 lượt củi khô. Sau đó người nhà sẽ châm lửa đốt.

Đốt xác nhanh thì 3 ngày, chậm thì một tuần. Khi tiến hành đốt xác, người nhà mang cơm lên đồi tổ chức cúng bái, ăn và ở lại để trông xác. Sau khi xác được đốt thành tro sẽ được bỏ vào một chiếc lọ nhỏ, sau đó những chiếc lọ này được người dân mang về trồng cây cảnh dựng trước nhà, còn linh hồn họ thờ cúng trên bàn thờ tổ tiên.

Việc đốt xác đã trở thành phong tục của dòng họ Cầm Bá, rất tốn kém chi phí về ma chay, mượn người… Chính vì thế nên càng về sau, những gia đình giàu có nơi đây mới tổ chức đốt xác và chỉ đốt xác người già từ 50 tuổi trở lên.
 
Bí ẩn “đồi đốt xác” - 3
Chiếc lọ đựng hài cốt ngày xưa được dùng để trồng cây cảnh
 
Đến những năm 1960, người ta nhận thấy việc đốt xác trở nên không hợp thời và gây ô nhiễm môi trường, nên đã bỏ dần. Thay vào đó là tục địa táng.
 
"Đồi đốt xác" cũng được chặt phá hết cây cối, tạo không gian thoáng đãng, làm đường để con người đến định cư.

Dần dần, những người dân từ dưới xuôi lên "đồi đốt xác" định cư ngày một nhiều, trồng cây ăn quả. Trong quá trình khai hoang người ta còn phát hiện nhiều hộp sọ, xương người có thể do xưa kia đốt bị sót lại, nên dồn vào một nơi chôn cất. Giờ đây những dấu tích trên đối đều đã bị xáo trộn nhiều.

Đối với nhiều người dân địa phương, phong tục đốt xác người chết chỉ là phong tục của nhà giàu, của dòng họ Cầm Bá. Theo ông Lục, trước đây dòng họ Cầm Bá có quyền lực nhất vùng nên mọi luật định cũng do họ tự đặt ra.
 
 
Bí ẩn “đồi đốt xác” - 4
Theo người dân địa phương nơi đây là dấu tích của phong tục đốt xác ngày xưa

Hiện nay phong tục đốt xác của dòng họ Cầm Bá vẫn còn, nhưng không phải đốt xác như trước đây mà sau khi đưa quan tài chôn xuống đất xong, người ta mới lấy một ngọn đuốc hơ một lượt phía trên, để tượng trưng cho việc đốt xác…

Ông Cầm Bá Chiến, Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân, cũng là một người thuộc dòng họ Cầm Bá, cho biết: “Đồi đốt xác xưa kia giờ đa phần con người đã khai hoang trồng rừng, phát triển kinh tế. Theo thời gian, đồi cũng bị xói mòn đi nhiều. Giờ đây đã có hàng chục hộ dân lên đây định cư sinh sống, có điện lưới, văn hoá mở mang nhiều, nên "đồi đốt xác" chỉ còn là một dấu tích của lịch sử!”.

Duy Tuyên - Nam Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm