1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bệnh nhân lao phổi chết không rõ ràng trên bàn mổ

Câu chuyện về y đức vẫn còn khiến nhiều người phải nhức nhối. Và lần này là chuyện về cái chết bất ngờ của một kỹ sư 27 tuổi tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương.

Nỗi đau của người mẹ

 

Khi gửi đơn tới chúng tôi, bà Mai Thị Hải - mẹ của nạn nhân - đã gần như kiệt lực vì nỗi đau mất con cộng với nỗi đau vì sự vô trách nhiệm mà một số BS tại BV Lao và Bệnh phổi T.Ư đã gây ra cho gia đình bà. Con trai bà - anh Nguyễn Mai Sơn - mới 27 tuổi, đang là kỹ sư xây dựng công tác tại Công ty xây dựng Sông Đà 1 - Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà.

 

Theo lời bà Hải, ngày 16/8/2005, do thấy tức ngực nên trên đường đi làm, anh Sơn đã rẽ vào BV Lao và Bệnh phổi T.Ư để khám. Sau khi khám và chụp Xquang, BS đưa anh Sơn vào khoa Cấp cứu để điều trị và hút khí ra.

 

Ngày 7/9/2005, anh Sơn được phẫu thuật. Kíp mổ gồm 4 bác sĩ do BS Tô Thị Kiều Dung - Phó Trưởng khoa Ngoại - chịu trách nhiệm mổ chính; BS nội khoa Vũ Đỗ làm phụ mổ số 1...

 

9 giờ sáng 7/9, sau khi tất cả các thủ tục mổ được tiến hành. Xét nghiệm trước mổ cho thấy thể trạng anh Sơn ổn định, các xét nghiệm đều trong giới hạn cho phép. Thế nhưng, chỉ chưa đầy 1 giờ sau, anh Sơn đã qua đời ngay trên bàn mổ.

 

Ngay sau khi anh Sơn tử vong, BV đã có một bản tóm tắt quá trình phẫu thuật, trong đó nêu ra nguyên nhân cái chết của anh Sơn: “Bệnh nhân được mổ bằng đường sau bên vào lồng ngực trái... Đang chuẩn bị đóng thành ngực đột ngột xuất hiện ngừng tim. Kíp mổ và gây mê viên đã phát hiện kịp thời, ngay lập tức bóp tim trực tiếp trong lồng ngực và hồi sức tích cực trong 30 phút, nhưng tim không đập trở lại...”.

 

Những khuất tất phía sau cái chết

 

Thế nhưng, theo phản ánh từ phía người nhà anh Sơn thì chính sự tắc trách và kém chuyên môn của kíp mổ, đặc biệt là của nữ BS Tô Thị Kiều Dung và BS Vũ Đỗ - đã gây nên cái chết tức tưởi của anh Sơn.

 

Phải gần 1 tháng sau đó, vào ngày 2/10/2005, tại BV Lao và Bệnh phổi T.Ư, BS Tô Thị Kiều Dung cùng với 3 người trong kíp mổ là BS Vũ Đỗ, Đỗ Văn Lợi, Phạm Lê Huy đã tiến hành một cuộc gặp gỡ với người nhà anh Sơn để lập một cái gọi là “biên bản thoả thuận”, trong đó BS Dung lý giải cái chết của anh Sơn là “một rủi ro nghề nghiệp đáng tiếc xảy ra”.

 

Cùng theo đó, BS Dung đã thay mặt kíp mổ chuyển tới gia đình nạn nhân số tiền 50 triệu đồng cùng với một yêu cầu “gia đình không có thêm thắc mắc, yêu cầu gì nữa”.

 

Ngay khi đề cập tới vấn đề này, ông Mai Ngọc Toàn - cậu của nạn nhân - đã giải thích: “Tôi biết họ muốn mua sự im lặng của gia đình chúng tôi, như họ đã từng làm trước đây. Chúng tôi vẫn cầm số tiền và giữ tờ biên bản thoả thuận để coi đó như một bằng chứng cho việc làm sai trái của họ”.

 

Trong buổi làm việc với phóng viên, BS Nguyễn Chi Lăng - Phó Giám đốc BV - cho biết, ngay sau khi nhận được đơn của gia đình bệnh nhân Sơn, BV đã cho lập một tổ xem xét khiếu nại do ông phụ trách và kết luận trường hợp của anh Sơn là bất khả kháng và hầu như phủ nhận tất cả những nội dung trong đơn của gia đình nạn nhân Sơn.

 

Thế nhưng, vào đúng ngày xảy ra cái chết của anh Sơn, BS Lăng chính là người được kíp mổ mời tới để “xử lý sự cố” tại ca mổ, nhưng không thành. Vậy mà nay, chính BS Lăng lại là người phụ trách tổ xem xét khiếu nại thì liệu có đảm bảo được tính khách quan, trung thực?

 

Ngoài ra, trước khi tiến hành mổ cho anh Sơn thì kíp mổ của BS Dung đã không hề yêu cầu người nhà bệnh nhân ký vào giấy cam đoan trước khi mổ, một điều được coi là bắt buộc đối với tất cả các ca mổ tại BV.

 

Theo Kiều Minh
Lao Động