1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bệnh nhân đau dạ dày bị cắt tay: 13 năm chờ bồi thường

Qua 3 ngày điều trị chứng đau dạ dày, bệnh nhân đã khỏe lại và chuẩn bị xuất viện thì... bị cắt đứt cánh tay. Vụ việc xảy ra cách đây 13 năm, nhiều lần như muốn “chìm xuồng”, nhưng cuối cùng cũng được tòa đưa ra xét xử… án dân sự (?!).

Đau dạ dày bị cắt tay

 

Ngày “định mệnh” 25/1/1993, sau bữa cơm, anh Tuấn thấy bụng đau dữ dội. Gia đình nhanh chóng đưa anh đến Trung tâm Y tế huyện Thới Bình, tại đây, anh được các bác sĩ chẩn đoán là đau dạ dày. Qua 3 ngày điều trị, bệnh sắp khỏi thì khoảng 8h sáng 28/1/1993, êkíp trực gồm: bác sĩ Nguyễn Trọng Tính, y sĩ Chính, y tá Nguyễn Kiều Tiên đến khám bệnh, cho toa thuốc và trực tiếp y tá Tiên chích cho anh Tuấn một mũi thuốc có hiệu Pipolphene.

 

Chị Huỳnh Thị Thủy, vợ anh Tuấn kể: “Khi chích thuốc vào mạch máu ở cánh tay phải, anh Tuấn thấy đau dữ dội, kêu y tá rút kim tiêm nhưng y tá không rút, anh Tuấn đã gạt tay cô y tá. Thấy vậy, cô y tá bỏ đi, mặc cho chồng tui kêu la đau đớn. Xót ruột vì chồng đau đớn nhiều lần, tui tìm cô Tiên thì cô ta đang ngồi đánh bài và trả lời: “Tại thuốc nó đau như vậy, ráng chịu một chút sẽ hết đau”.

 

Trước thái độ của y tá Tiên, tôi tìm đến bác sĩ trực ca là Nguyễn Trọng Tính và ông Tính nói cô Tiên đến thăm bệnh, riêng ông ta bỏ về nhà ăn cơm”.

 

Khoảng 13h30 cùng ngày, cánh tay phải của anh Tuấn từ đỏ bầm đã đen sẫm, lúc này Trung tâm Y tế mới huy động bác sĩ đến chẩn đoán nhưng cũng không tìm được lời giải đáp. Đến 16h, Trung tâm Y tế làm thủ tục chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, nhưng với điều kiện là gia đình tự lo phương tiện vận chuyển.

 

Sau nhiều giờ, anh Tuấn đã được đưa đến Bệnh viện Minh Hải, lúc này Bệnh viện tuyến trên yêu cầu trình hồ sơ chuyển viện thì ông Chính nói bỏ mất trên đường vận chuyển bệnh nhân (?). Cuối cùng trước tình trạng cánh tay anh Tuấn bị hoại thư nặng. Bệnh viện Minh Hải đã tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ cánh tay phải để giữ mạng sống cho anh.

 

Ông Thảo, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Sở Y tế Cà Mau cho biết: “Đau bao tử không cần dùng loại thuốc Pipolphene vì trong thuốc này có hàm lượng độc tố cao. Trong trường hợp cấp cứu đặc biệt thì mới dùng loại thuốc này, nhưng chỉ được chích vào cơ thịt người bệnh chứ không được chích vào mạch máu” (trích nguồn Thanh tra Công an tỉnh Cà Mau).

 

Theo Bản kết luận số 55/GĐPY của Tổ chức Giám định pháp y tỉnh Cà Mau thì vụ việc của anh Trương Minh Tuấn là do tai biến trong điều trị, tỉ lệ thương tật vĩnh viễn là 65%.

 

Vụ án hình sự “chuyển thể” thành án dân sự

 

Từ năm 1993, gia đình anh Tuấn đã gửi đơn khiếu kiện đến Thanh tra Nhà nước huyện Thới Bình nhưng cũng chỉ nhận được lời “hứa” sớm giải quyết. Sự việc vẫn rơi vào im lặng.

 

Tháng 4/1997, Thanh tra tỉnh Cà Mau có công văn đề nghị Chánh Thanh tra huyện Thới Bình chỉ đạo làm rõ, xử lý vụ việc “đau bao tử cắt cánh tay” trước ngày 30/4/1997. Nhưng đến năm 2002, trước sức ép của dư luận, ông Nguyễn Hoàng Phi - Chánh án TAND huyện mới lục lại đống hồ sơ và mời hai bên đương sự lên giải quyết.

 

Vụ việc hình sự, tỉ lệ thương tật vĩnh viễn 65%, vậy mà ông  Nguyễn Hoàng Phi - người đại diện cho cơ quan bảo vệ pháp luật - lại chấp nhận cho hòa giải và thỏa thuận bên Y tế huyện bồi thường 30 triệu đồng (kinh phí UBND huyện hỗ trợ) cho anh Tuấn.

 

Khi gia đình nạn nhân không đồng ý cách giải quyết này, Trưởng phòng Y tế huyện Thới Bình có báo cáo sự việc cho ông Nguyễn Minh Hưởng - Phó Chủ tịch huyện - và sự việc lại tiếp tục rơi vào im lặng.

 

Ngày 19/7/2004, anh Tuấn đến gặp ông Mau, cán bộ trực tiếp thụ lý hồ sơ, thì được nhận “lời phán xét”: Vụ việc của anh đã hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự (?). Tuy nhiên, sau một thời gian dài “nghiên cứu”, TAND huyện Thới Bình mới đưa ra xét xử vụ của anh Trương Minh Tuấn.

 

Theo Bản án số 08/DSST ngày 29/12/2005, TAND huyện Thới Bình tuyên xử, buộc Trung tâm Y tế huyện Thới Bình bồi thường thiệt hại cho anh Trương Minh Tuấn là 62,56 triệu đồng. Cả hai bên nguyên đơn, bị đơn đều kháng án.

 

Ngày 11/7 vừa qua, TAND tỉnh Cà Mau đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án. Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên giữ y bản án sơ thẩm đã tuyên. Đồng thời, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, các bên tự thỏa thuận hoặc sẽ xét xử khi có yêu cầu.

 

Trao đổi với chúng tôi, luật gia Trương Minh Chiến - Hội Luật gia tỉnh Cà Mau, bảo vệ quyền lợi cho anh Tuấn cho biết: “Từ vụ án hình sự trở thành án dân sự. Người bị hại ở vùng nông thôn làm sao chứng minh được thu nhập? Trong khi tòa tuyên bồi thường mỗi ngày 40 ngàn đồng (cho gia đình 6 nhân khẩu, anh Tuấn là lao động chính thương tật vĩnh viễn 65%), Trung tâm Y tế chỉ bồi thường cho anh Tuấn thời gian có 5 năm, trong khi đó, vụ án kéo dài 13 năm”.

 

Chưa hết, tiền bồi thường cho anh Tuấn mà Trung tâm Y tế huyện phải trả ở đâu ra, có phải từ ngân sách do dân đóng góp? Vậy trách nhiệm của êkíp bác sĩ, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Thới Bình trước đây nên được xem xét như thế nào?

 

Theo Công An Nhân Dân