1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bến xe Lương Yên “oằn mình” gánh tải, chờ ngày di dời

(Dân trí) - Dù là một bến xe được lập tạm thời trên nền một nhà máy xay xát của Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên nhưng bến xe Lương Yên đã tồn tại hơn 10 năm qua (từ 2004). Sở GTVT Hà Nội vừa đưa ra phương án di dời bến xe này sau nhiều lần “dền dứ”, để giải toả nút thắt ùn tắc, quá tải này trên tuyến đường vành đai thành phố.

Di dời bến xe, giảm ùn tắc nội thành

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa báo cáo UBND TP Hà Nội 2 phương án để di dời bến xe Lương Yên sang các bến xe khác trên địa bàn và hướng dẫn hoạt động cho các nhà xe sau ngày 26/7. Theo đó, với phương án 1, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra hướng điều chuyển các tuyến xe, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Lương Yên về các bến xe còn khả năng tiếp nhận trên địa bàn thành phố.

Bến xe tạm hoạt động trong nội thành luôn trong tình trạng quá tải
Bến xe tạm hoạt động trong nội thành luôn trong tình trạng quá tải

Để thực hiện phương án 1, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ làm việc với các bến xe để sắp xếp lại luồng tuyến tại các bến xe phục vụ cho việc tiếp nhận các tuyến mới từ bến xe Lương Yên chuyển sang (sắp xếp các tuyến xe khách liên tỉnh, xe buýt). Sở Giao thông Hà Nội cũng làm việc với các tỉnh để thống nhất việc điều chuyển vận tải khách liên tỉnh từ bến xe Lương Yên về các bến xe khác còn khả năng tiếp nhận. Với phương án này, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá, ưu điểm là sớm dừng hoạt động của bến xe Lương Yên, góp phần giảm ùn ứ giao thông trên trục đường Nguyễn Khoái.

Phương án 2 chỉ rõ, đó là sau khi bến xe khách Cổ Bi đủ điều kiện tiếp nhận việc điều chuyển toàn bộ luồng tuyến và phương tiện từ bến xe Lương Yên sang, khi đó Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ thông báo cho các sở giao thông các tỉnh thành về việc điều chuyển này. Sở Giao thông Hà Nội cũng thông báo Bộ Giao thông việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết và đề nghị các đơn vị vận tải xây dựng phương án chạy xe.

Với phương án này, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá ưu điểm là thực hiện các thủ tục pháp lý đơn giải hơn so với phương án 1 và ít ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị vận tải. Tuy nhiên, nhược điểm được chỉ rõ là phụ thuộc vào tiến độ đầu tư xây dựng bến xe Cổ Bi.

10 năm “sống tạm”

Thực tế hiện nay, bến xe Lương Yên đang hoạt động trên một diện tích chật hẹp (khoảng 5.500m2), với hơn 300 loại phương tiện của 52 đơn vị vận tải (có 38 tuyến vận tải). Dù là 1 trong 6 bến xe lớn nhất Hà Nội, là bến xe ở cửa ngõ Đông Bắc thành phố, được xếp hạng là bến xe cấp 2 nhưng Lương Yên có diện tích thấp nhất, điều kiện hạ tầng thấp nhất trong nhóm (nhỏ hơn nhiều so với các bến xe Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm).

Tần suất khai thác của bến xe Lương Yên hiện tại là 335 lượt xe/ngày, áp lực lớn hơn nhiều so với mức 224 lượt xe/ngày của bến xe Nước Ngầm (diện tích gần 18.000m2) hay bến xe Yên Nghĩa (600 lượt xe/ngày, diện tích 69.800m2).

Các tuyến đường hướng vào bến xe Lương Yên luôn trong tình trạng ùn ứ giao thông
Các tuyến đường hướng vào bến xe Lương Yên luôn trong tình trạng ùn ứ giao thông

Bến xe Lương Yên đang gánh tải lớn mà khó có hướng “xoay xở”, cải tạo cho tốt hơn. Tình hình trật tự an toàn giao thông khu vực bến xe, theo đánh giá của lãnh đạo bến xe này cũng rất nan giải. Hiện nay, trục đường Nguyễn Khoái trước cửa bến xe thường xuyên ùn ứ giao thông trong khung giờ cao điểm.

Phía Tổng Công ty vận tải Hà Nội cũng nêu một khó khăn, bến xe Lương Yên có số lượng tuyến buýt kết nối vào bến thấp (3 tuyến). Diện tích đón, trả khách dành cho taxi còn hạn chế nên tính kết nối với các phương tiện vận tải công cộng chưa cao.

Theo Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm đều được nâng cấp cải tạo nhưng không có bến xe Lương Yên. Quyết định di dời bến xe này đã được “chốt” sau nhiều lần dùi gắng.

Năm 2011, sau khi “chủ đất” có yêu cầu, Sở GTVT Hà Nội đã chấp thuận thu hẹp diện tích sử dụng bến xe này (co lại còn 5.576 m2 về phía Bắc) và cho phép bến xe tiếp tục hoạt động tạm thời cho đến năm 2013.

Năm 2013, sau gần 10 năm “sống tạm”, bến xe Lương Yên nhận được kiến nghị dừng hoạt động. Tuy nhiên, do đề xuất của Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng như của các doanh nghiệp đang khai thác, UBND TP.Hà Nội đã ban hành quyết định gia hạn thời gian hoạt động của bến xe này cho đến tháng 7 năm 2016 (sẽ phải chấm dứt mọi hoạt động vào ngày 26/7/2016).

Theo thăm dò, phương án điều chuyển toàn bộ luồng tuyến và phương tiện từ bến xe Lương Yên sang sau khi bến xe khách Cổ Bi (Gia Lâm) đủ điều kiện tiếp nhận mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra đang nhận được nhiều ủng hộ. Vì việc thực hiện các thủ tục pháp lý đơn giản và ít ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị vận tải khi điều chuyển nguyên trạng sang bến xe mới.

Về phương án di dời, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) – Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Huy Quang từng thông tin, đơn vị đã chuẩn bị đầu tư dự án chiến lược xây dựng các bến xe quy hoạch ở các cửa ngõ thủ đô từ lâu. Đầu năm 2015, Transerco tập trung huy động các nguồn vốn để xây dựng bến xe khách phía Đông (xã Cổ Bi).

“Việc hoàn thiện xây dựng và hoàn thiện bến xe này sẽ góp phần giảm tải rất nhiều cho khu vực cửa ngõ phía Đông bắc Thủ đô. Bởi từ bến xe trên chạy về các tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn hết sức thuận tiện”, ông Quang nói.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm