Bến xe Giáp Bát đông khủng khiếp!
Từ các xe buýt lặc lè đến các xe ôm kẹp bốn đều đổ dồn về bến xe lớn nhất Hà Thành này vào trưa ngày thi cuối cùng của khối A (5/7). Tại đây, khó có thể nói gì hơn ngoài ba từ : Đông khủng khiếp! Rất nhiều thí sinh và người nhà đã trả tiền trực tiếp cho phụ xe với giá "cắt cổ".
Giờ cao điểm nhất trong năm tại bến xe Giáp Bát đã điểm, bà hàng nước bật nắp chai nước ngọt đã lên tới giá 5000đ thủng thẳng: "Trưa nay là thời điểm đông nhất tại đây, ngày Tết khách cũng không tập trung đông đến vậy".
Cả bến xe rộng 37 000m2 gần như không còn một chỗ trống, các xe xếp nối đuôi nhau cực khó quay đầu, chiếc xe xếp trước nhích từng 1/2 vòng bánh cho xe sau lên vị trí xếp khách.
Vừa bước chân vào bến, không ít sĩ tử hoa mắt, chóng mặt, ù tai vì đâu đâu cũng có lái phụ xe lôi kéo, tiếng động cơ gầm rú, vài chiếc xe chợ phun khói mù mịt, tiếng bố gọi con í ới, trên loa phóng thanh không ngừng có những thông báo tìm người lạc.
Ông Nguyễn Tất Thành, quyền trưởng bến xe Giáp Bát bày tỏ nỗi bức xúc: "Với diện tích có hạn, bến chỉ có thể tiếp nhận được tối đa là 500 xe cùng một lúc. Hôm nay có tới cả chục ngàn thí sinh và phụ huynh về đây thì chuyện quá tải là khó tránh. Tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng đưa tất cả hành khách về nhà trong ngày, giá vé không đổi".
Theo lời ông Nguyễn Tất Thành thì các công ty vận tải đã cam kết không tăng giá, nếu hành khách phát hiện ra xe nào tăng giá vé so với quy định cứ gọi về số mày điều hành: 04 6644298 hoặc 04 8641467, bến xe sẽ có biện pháp xử lý. |
Đỗ Bảo Trung ở Thị Trấn Cồn, Hải Hậu, Nam Định tranh thủ gặm nốt chiếc bánh mì cố gào thật to để át tiếng xe: "Khủng khiếp quá anh ạ, chưa bao giờ em đi xe khổ như hôm nay. Mấy ông phụ xe lèn chặt đến nỗi đứng còn không có chỗ, lên tí lại phải xuống thở. Đằng nào cũng đứng, lên sau đứng cửa còn mát hơn".
Khách không thiếu nhưng các phụ lái vẫn muốn bắt khách để lèn thật nhiều và đi thật nhanh nhằm quay lên chạy chuyến nữa. Thêm nữa, họ bắt khách ngay tại cổng vào để tránh việc khách mua vé. Với vé giá cố định phụ xe khó "bóp", còn khách trả tiền, chỉ cần chiêu bài "dọa dẫm" hết xe là có thể lấy thêm của khách cả chục ngàn.
Tôi vờ làm một thí sinh hỏi giá tiền đi Hoằng Hóa, Thanh Hóa, vé trong bến ghi 27.000đ, anh ta hét: 35.000đ . Tôi cố mặc cả 30.000đ, anh ta sừng sộ: "Mày không biết xăng lên 1000đ/lít à, đi được thì đi, không đi thì biến !".
Hai mẹ con một thí sinh khác bước qua, vừa kịp hỏi "xe về Thanh Hóa phải không ?", anh ta không nói không rằng cầm chiếc túi du lịch lăng một phát lên nóc, trên đó có một thanh niên đội mũ cối đang dồn đồ uỳnh uỳnh như tra tấn hành khách bên dưới bằng "vũ khí" âm thanh. Vài cô cậu may mắn có ghế mắt nhắm nghiền đổ gục trên thành ghế. Trời nắng, xe nóng. Thí sinh ..."ngất"!
Anh Nguyễn Văn Hà, phụ xe làm việc tại công ty cổ phần HTX Thanh Hóa chạy xe 36L-8255 cho biết: "Bây giờ chỉ xếp 5 phút là đầy xe, chạy về rồi có khi lại phải chạy xe không ra chuyến nữa để tiếp tục đưa khách về nhà".
Giá vé quy định cho các tuyến xe đi Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình...đều không tăng nhưng lượng khách mua vé tại bến không nhiều bằng lượng người trả tiền trực tiếp cho phụ xe. Chính vì vậy có rất nhiều người mất tiền oan vì không vào bến mua vé.
Theo Káp Long- Xuân Mai
Tiền phong