1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đồng Nai:

Bến thủy nội địa tiếp tay cho "cát tặc" lộng hành

(Dân trí) - Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, an toàn giao thông, các bến thủy nội địa không phép còn là nơi tiếp tay tiêu thụ sản phẩm cho “cát tặc”.

Một bến thủy nội địa hoạt động không phép ở xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa
Một bến thủy nội địa hoạt động không phép ở xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa

Bến thủy nội địa không phép hoạt động rầm rộ

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn có 96 bến thủy nội địa đang hoạt động ở ven sông Đồng Nai và các sông địa phương, tuy nhiên chỉ có 33 bến được các lực lượng chức năng cấp phép hoạt động. Huyện Nhơn Trạch với 13/15 bến và TP. Biên Hòa với 35/41 bến là 2 địa phương có số lượng bến thủy không phép nhiều nhất. Đặc biệt, trên tuyến sông Đồng Nai đoạn đi qua địa phận thành phố Biên Hòa, số lượng các bến thủy nội địa tồn tại với mật độ khá dày đặc.

Trên đoạn sông Đồng Nai đi qua địa bàn xã Tân Hạnh (TP. Biên Hòa) có hơn chục bến hoạt động không phép. Tại các bến này, các cần cẩu đang xúc cát, đá từ xà lan lên bờ và sau đó lại lên các xe tải ben chở về các công trình hoặc điểm bán vật liệu xây dựng trong nội thành. Tương tự, tại đoạn sông đi qua xã Hóa An (TP. Biên Hòa) cũng có gần chục bến hoạt động tấp nập.

Trong số này phần lớn các bến đều hoạt động mà không có giấy phép hoạt động bên thủy nội địa và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, một số bến thì có Giấy đăng ký kinh doanh nhưng lại không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa.

Những năm gần đây, tình trạng khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai (đoạn qua TP. Biên Hòa) diễn ra rất phức tạp, gây sạt lở bờ sông khiến người dân bức xúc. Hoạt động của các bến thủy nội địa không phép là nơi tiếp tay tiêu thụ sản phẩm của “cát tặc”.

Đủ chiêu “né” kiểm tra

Việc chấn chỉnh lại các bến thủy nội địa tại Đồng Nai đang gặp nhiều khó khăn 
Việc chấn chỉnh lại các bến thủy nội địa tại Đồng Nai đang gặp nhiều khó khăn 

Mặc dù Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã mạnh tay xử lý nhưng do quản lý chồng chéo đã tạo ra nhiều kẽ hở cho các bến thủy nội địa tìm đủ cách để né kiểm tra.

Nhiều bến tiến hành mua cát, đá ban đêm bằng đường sông, ban ngày chỉ cho xe chở vật liệu xây dựng từ bến đến nơi tiêu thụ nên khi kiểm tra không có phương tiện thủy neo đậu thì chủ bến không thừa nhận việc hoạt động bến thủy mà đây chỉ là bến bãi dành riêng cho vận tải đường bộ. Không những vậy nhiều chủ bến còn cho đóng cửa ngưng hoạt động trong thời gian có đoàn đi kiểm tra.

Theo ông Dương Mạnh Hưng, Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, quy định hiện tại là chưa đủ sức răn đe, năm nào Thanh tra giao thông cũng xử lý trên 30 trường hợp vi phạm nhưng với mức phạt chỉ 2,5 triệu đồng một vụ thì các chủ bến này không sợ và vẫn tiếp tục cho bến hoạt động, chỉ khi có người của lực lượng chức năng đến kiểm tra thì mới chấp hành, khi đoàn kiểm tra đi, đâu lại vào đấy.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần rà soát lại quy hoạch giao thông đường thủy, lấy đó làm cơ sở để chấn chỉnh. Nếu những bến nào không nằm trong quy hoạch, không đủ điều kiện thì bắt buộc chủ bến phải trả lại hiện trạng và dừng hoạt động. Những bến phù hợp thì hướng dẫn đăng ký và quản lý một cách chặt chẽ. Việc cấp phép hoạt động thì phải xem xét một cách kỹ càng, đầy đủ các điều kiện mới cho phép kinh doanh bởi đây là loại hình kinh doanh có điều kiện.

Để giải quyết triệt để tình trạng các bến thủy nội địa không phép vẫn ngang nhiên tồn tại. Mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã có cuộc làm việc với các sở, ngành liên quan. Tại buổi làm việc ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Sở GTVT rà soát lại hệ thống bến thủy nội địa trong toàn tỉnh, loại bỏ những bến thủy nào không phù hợp với quy hoạch để ngưng cấp phép và dừng hoạt động. Tại những nơi này thì cần cắm những biển cấm phương tiện đường thủy dừng đỗ và cấm kinh doanh vật liệu xây dựng.

Vĩnh Thủy