1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bạc Liêu:

Bến đò, phà qua sông hốt bạc ngày Tết

(Dân trí) - Khi người người đi chơi Tết thì cũng là thời điểm các bến đò, phà qua sông hoạt động không ngừng nghỉ. Nhiều chủ đò “kiếm ăn” dịp Tết bằng cả một năm.

Ít năm trở lại đây nhiều vùng nông thôn Bạc Liêu đã có đường lộ nông thôn tới nhà nên hầu hết người dân đều sắm xe máy đi lại. Tuy nhiên, một số nơi  chưa có cầu nên vẫn còn ngăn sông cách trở, việc qua lại còn bất tiện, các bến đò, phà “mọc” lên như nấm là điều dễ hiểu.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, vào dịp Tết Nguyên đán, các bến đò, phà đưa khách qua sông hoạt động hết công suất từ ngày 23 tháng Chạp do đây là thời điểm người dân hối hả đi chợ mua sắm ăn Tết. Theo các chủ đò cho biết, ngày thường người dân đi lại ít nên doanh thu không được bao nhiêu nên “ăn” được hay không là những ngày Tết này.

Bến đò, phà qua sông hốt bạc ngày Tết - 1
Người dân chơi Tết đang chờ đò qua sông ở các bến đò, phà của huyện Giá Rai (Bạc Liêu)

Chiều ngày 29 tháng Chạp, nhiều bến đò ở xã Phong Thạnh A, Phong Thạnh Tây, Phong Thạnh Tây B…(huyện Giá Rai) tấp nập đưa người qua lại, chủ yếu là giới trẻ đổ xô ra thị trấn Giá Rai để chờ xem bắn pháo hoa đón giao thừa. Một chủ đò ở ấp 25 (xã Phong Thạnh A) cho biết: “Chỉ từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối, tôi đưa vài trăm lượt khách qua sông, gấp cả chục lần ngày thường”. Cũng theo chủ đò này, trong ngày 29 tháng Chạp, ông cùng với nhiều chủ đò khác canh đến 2- 3 giờ sáng để đón lượt khách trở về.

Các bến đò, phà qua sông sôi nổi hơn bắt đầu từ ngày mồng 1 Tết do người dân đi thăm họ hàng, đi chơi. 2 bến đò tại ngã tư Chủ Chí (giáp huyện Giá Rai và huyện Phước Long của Bạc Liêu và huyện Thới Bình của tỉnh Cà Mau) hoạt động không ngừng nghỉ bởi khách qua lại quá đông. Một số chủ đò thú thật, có nhiều chuyến họ phải chở quá người để có thể kịp thời đưa khách.

Bến đò, phà qua sông hốt bạc ngày Tết - 2

Không chỉ đưa khách đi chơi mà các bến đò còn đưa người dân qua lại đi lễ những ngày đầu năm. Qua ghi nhận của PV, các bến đò Khúc Tréo (xã Tân Phong), bến đò Chủ Chí (xã Phong Thạnh Tây) trong 3 ngày Tết “kiêm nhiệm vụ” đưa người dân ở các địa phương này đi lễ ở nhà thờ họ đạo Chủ Chí, họ đạo Khúc Tréo nên không khí hết sức náo nhiệt. 

Trong các ngày từ mồng 1 đến mồng 5 Tết, các bến đò ấp Khúc Tréo B (giáp xã Tân Phong huyện Giá Rai và xã An Trạch huyện Đông Hải); bến đò ấp 18 xã Phong Thạnh A và xã Phong Tân (huyện Giá Rai); hàng chục bến đò khác ở xã Phong Thạnh A, Phong Thạnh Tây, Phong Thạnh B, Phong Thạnh Nam…liên tục đưa khách qua lại, tiếng máy nổ không lúc nào nghỉ.

Các chủ đò cho biết, họ phải nổ máy chạy đò sớm hơn ngày thường 1- 2 giờ đồng hồ vì khách cũng đi chơi Tết rất sớm. Trong khi đó, giờ tắt máy cũng rất trễ, ngày thường thì 9-10 giờ tối; còn mấy ngày Tết thì đến 1- 2 giờ sáng. Nhiều chủ đò chỉ nghỉ được 2 - 3 tiếng đồ hồ là lại tiếp tục hoạt động. Ông Mười (chủ đò ở ấp 25) nói: “Mấy ngày Tết đưa đò rất mệt, người ta áo mới hối hả đi chơi Tết còn mình thì phải cầm máy suốt. Nhưng dù sao cũng rất vui vì vừa phục vụ bà con đi chơi vừa kiếm ăn được hơn ngày thường”.

Bến đò, phà qua sông hốt bạc ngày Tết - 3
Các bến đò, phà đưa khách không ngơi nghỉ trong những ngày Tết

Trưa ngày mồng 5 Tết, PV có mặt tại bến đò Khúc Tréo thuộc xã Tân Phong. Ghi nhận của PV ở đây cho thấy, tuyến sông này đang ở thời điểm nước ròng rút xuống rất thấp nhưng người qua lại vẫn tấp nập dù hơi khó khăn do nước cạn. Chủ đò cho biết, trước đó để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đưa xe xuống đò, chủ bến đã làm thêm đường xi măng kéo dài đến chỗ mực nước thấp nhất.


Bến đò, phà qua sông hốt bạc ngày Tết - 4
Thời điểm nước cạn, nhiều chủ bến cho làm thêm đường xuống tận chỗ mực nước thấp nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân qua lại (ảnh chụp bến đò Khúc Tréo, huyện Giá Rai sáng mồng 5 Tết)

Tại nhiều bến đò ở huyện Giá Rai (Bạc Liêu), mỗi bến đò thường chỉ có 1- 2 chiếc nên việc khách dồn ứ đứng chờ hoặc chen chúc xuống đò thường xuyên xảy ra. Nói về vấn đề an toàn khi qua sông, các chủ đò đều khẳng định là rất an toàn vì sông nhỏ, ít sóng nên không xảy ra nguy hiểm gì. Tuy nhiên, qua ghi nhận tại một số bến đò nhất định, các chủ đò thường chở quá tải nên trông rất chòng chành.  

Giá cả đi đò, phà cũng tăng theo Tết. Ngày thường mỗi một chuyến qua (tính cả người và xe) là từ 2.000- 3.000 đồng (tùy sông lớn hay nhỏ); còn ngày Tết thì tăng lên từ 3.000- 5.000 đồng, thậm chí là 10.000 đồng. Một chủ đò ở xã Phong Thạnh Tây cho biết, từ mồng 1- mồng 3 mỗi ngày hoạt động từ 5 giờ sáng đến 12 giờ đêm (với giá 3.000 đồng/xe/lần qua) có thể kiếm được từ 3- 4 triệu đồng chứ không ít; còn nếu tính giá cao hơn thì số tiền này gấp nhiều lần.

Bến đò, phà qua sông hốt bạc ngày Tết - 5
Người dân trên đò qua sông
 
Một điều khá đặc biệt là ở những vùng nông thông Bạc Liêu cũng như một số địa phương khác ở miền Tây, người dân ăn Tết không chỉ 3 ngày mà “ăn” cho đến mồng 10, thậm chí đến rằm tháng Giêng. Cũng chính vì tâm lý ăn Tết hết “mùng mền” này nên các bến đò cũng sẵn sàng phục vụ… tới bến.  

                                                                                                                                                                         Huỳnh Hải